Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:48 (GMT +7)
Bức tranh nông nghiệp 6 tháng đầu năm: Nhiều gam màu sáng
Thứ 3, 18/07/2023 | 14:01:27 [GMT +7] A A
Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn ngành Nông nghiệp đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu, phát triển toàn diện, bền vững. Nhờ đó các chỉ tiêu đặt ra của ngành đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Trong đó 6/8 chỉ tiêu ở mức cao so với cùng kỳ và kịch bản tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7.208 tỷ đồng, (giá trị tăng thêm đạt trên 3.600 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,48% (cao hơn 1,2 điểm % cùng kỳ, cao hơn 0,52 điểm % kịch bản tăng trưởng 6 tháng của tỉnh và đóng góp 0,23 điểm % tăng trưởng GRDP toàn tỉnh), đưa Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Trong đó, lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao, có đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành trong 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu ở nuôi trồng thủy sản (NTTS) với tổng sản lượng đạt gần 900.000 tấn (tăng 5,5% cùng kỳ, tăng 20% kịch bản). Để đạt kết quả này, ngành Nông nghiệp đã tiến hành điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá, tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường...
Điển hình như trong nuôi tôm, các doanh nghiệp, hộ nuôi đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT, quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có trên 3.000 cơ sở nuôi thả tôm với diện tích 7.500ha, tập trung vào 2 đối tượng chủ lực quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. 6 tháng đầu năm, các cơ sở sản xuất giống tôm đã tập trung sản xuất, ương dưỡng và cung cấp ra thị trường trên 500 triệu con giống (đạt 60% kế hoạch), trong đó cung ứng trong tỉnh khoảng 300 triệu con, ngoài tỉnh 200 triệu con.
Trong trồng trọt, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 456ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngô và cây rau hoa màu các loại. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đa dạng và chuyên canh nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, nâng cao hiệu quả sản xuất. Dịch bệnh trên cây trồng cũng được kiểm soát tốt, giảm so với cùng kỳ, nhờ đó mà tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2022-2023 đạt gần 33.000ha cây các loại (tăng 3,5% kế hoạch, bằng 99,94% cùng kỳ), tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 104.000 tấn (bằng 97% cùng kỳ, tăng 2,4% kịch bản tăng trưởng).
Lĩnh vực chăn nuôi cũng ghi nhận nhiều chuyển biến rõ nét khi phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ, áp dụng khoa học công nghệ; chăn nuôi hữu cơ gắn với các giống đặc sản bản địa có giá trị kinh tế cao. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trên toàn tỉnh là 47,2 triệu con (tăng 1,63% cùng kỳ); tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 46.450 tấn (tăng 3,6% cùng kỳ).
Mặc dù những tháng đầu năm, Quảng Ninh chịu ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino, nắng nóng kéo dài, kèm theo mưa lớn đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ trồng rừng, thời điểm trồng lùi so với năm trước, tuy nhiên công tác phát triển rừng tiếp tục được ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã trồng được trên 4,7 triệu cây (tương đương diện tích 2.544ha), đến nay, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 9.460ha (bằng 97% cùng kỳ, tăng 4% kịch bản tăng trưởng), trong đó có 631ha lim, giổi, lát (đạt 32% chỉ tiêu UBND tỉnh giao 2.000ha, bằng 49% so với cùng kỳ). Duy trì tỷ lệ che phủ rừng hàng năm cao đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng, cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Thời tiết diễn biến phức tạp; diện tích sản xuất nông nghiệp (đất sản xuất cây hàng năm) tại một số địa phương (TP Hạ Long, TX Quảng Yên) dần thu hẹp do việc chuyển đổi mục đích sử dụng; các dự án chăn nuôi được phê duyệt chưa đi vào hoạt động; đầu tư cho phát triển thủy sản còn dàn trải; chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển sản xuất công nghệ cao; Chính phủ chưa ban hành hướng dẫn trình tự thủ tục thanh lý rừng...
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Mục tiêu của ngành đặt ra năm 2023 là đạt tốc độ tăng trưởng 4,21%, phấn đấu đạt 5,03%. Do đó, 6 tháng cuối năm, ngành sẽ phải tập trung những giải pháp để khắc phục những khó khăn nói trên. Trong đó sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa và định hướng vụ đông năm 2023; chuẩn hóa mã số vùng trồng; tổ chức phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả, nhất là việc tăng đàn lợn, đàn bò và gia cầm; tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ; tập trung công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; triển khai các đề án, dự án liên quan đến lâm nghiệp, chính sách lâm nghiệp; cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản; thực hiện công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()