Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 14:22 (GMT +7)
Đầm Hà: Phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp
Thứ 3, 27/06/2023 | 09:35:11 [GMT +7] A A
Việc xác định rõ lợi thế tự nhiên, định vị được nhu cầu thị trường giúp huyện Đầm Hà có định hướng, giải pháp rõ ràng, hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây là nền tảng vững chắc, tạo động lực cho sự phát triển chung của địa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Định hướng phát triển “xanh”
Huyện Đầm Hà hội tụ nhiều yếu tố để phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, cả về nông, lâm, thủy sản. Từ lợi thế này, những năm qua, huyện đã chủ động vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh để đầu tư cho phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, chú trọng gắn kết sản xuất với tiêu thụ, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp).
Nhiệm vụ phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng được xác định xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, thể hiện rõ trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đặc biệt, theo tinh thần quy hoạch xây dựng vùng huyện Đầm Hà đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Đầm Hà phấn đấu trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh.
Ông Hoàng Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, cho biết: Trên tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, định hướng phát triển “xanh” luôn được thực hiện nhất quán. Huyện chủ trương kêu gọi, khuyến khích các hoạt động đầu tư, các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô dây chuyền hiện đại. Minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phải kể đến là lĩnh vực thủy sản. Trong đó, Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh đứng chân tại xã Tân Lập đang là điển hình thành công của việc thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Đơn vị này hiện đang duy trì sản xuất khoảng 2 tỷ con tôm giống chất lượng cao cho thị trường mỗi năm. Nguồn giống dồi dào tại chỗ đã giúp huyện Đầm Hà thuận tiện hình thành, phát triển các mô hình nuôi tôm hiệu quả cao (nuôi trong nhà, nuôi vụ đông, nuôi 3, 4 giai đoạn...).
Các mô hình chăn nuôi cũng được định hướng chuyển đổi dần từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái... Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được 5 HTX và 178 trang, gia trại. Đầm Hà là địa chỉ uy tín về cung cấp giống tôm, cá biển và nhuyễn thể chất lượng cao cho toàn tỉnh và khu vực phía Bắc.
Về trồng trọt, huyện duy trì quy mô diện tích gieo trồng trên 6.500 ha/năm, với tổng sản lượng lương thực luôn đạt trên 19.000 tấn/năm. Những diện tích đất rừng trồng kém hiệu quả đều được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để từng bước chuyển đổi để hình thành nên vùng trồng cây ăn quả, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đối với lâm nghiệp, chủ trương của huyện là từng bước chuyển đổi trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn để nâng cao giá trị rừng. Điều này được cụ thể bằng việc vận động nhân dân thực hiện Đề án phát triển rừng trồng loài cây lim, giổi, lát trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025; triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh theo Đề án của Chính phủ; phát triển vùng trồng quế tập trung quy mô 3500 ha; phát triển cây dược liệu (trà hoa vàng, gừng gió, địa liền...) dưới tán rừng những nơi phù hợp.
Ghi những dấu ấn đổi mới
Hiện cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Đầm Hà chiếm 42,3%, góp phần chủ yếu giúp kinh tế của huyện tiếp tục duy trì phát triển, tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt 18,27%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đã đạt 3.450 USD, tăng 1,32 lần so với năm 2020.
Các chỉ đạo quyết liệt về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện hạ tầng giao thông, GPMB tạo quỹ đất sạch... đều nhanh chóng cho thấy hiệu quả thu hút đầu tư. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, công ty lớn như Việt Úc, Mavin, TH, BIM, Lucaci, Funny Group JSC... đã trực tiếp đến làm việc để nghiên cứu đầu tư triển khai các dự án về nông, lâm, thủy sản tại địa phương với tổng số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2023, huyện triển khai 4 mô hình thí điểm trồng na, bưởi, chanh leo, mít tại các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Quảng Lâm, với diện tích 3ha/xã. Từ đó, từng bước mở rộng mô hình trong toàn huyện theo định hướng quy trình VietGAP, chương trình OCOP, dựa theo kết quả khảo sát kỹ lưỡng về hiện trạng đất đai, địa hình, khí hậu, nhân lực, nhu cầu sản xuất tại địa phương và nghiên cứu nhu cầu thị trường. Huyện phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây ăn quả tập trung đạt trên 1.500 ha, sản lượng 21.600 tấn/năm; trong đó khoảng 600 ha sản xuất quả rải vụ, trái vụ.
Hàng loạt dự án, mô hình khác cũng đang được huyện Đầm Hà khẩn trương đẩy mạnh các bước thực hiện theo quy trình, kỳ vọng tiếp tục tạo đà bứt phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Tiêu biểu như: Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung, liên kết với người dân; dự án Trung tâm sản xuất giống và Chăn nuôi heo công nghệ cao; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với dân; các CCN; hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung...
Riêng với lợi thế thủy sản, huyện Đầm Hà chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản tại các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; từng bước giảm cơ cấu sản lượng từ khai thác thủy sản ven bờ, tăng diện tích, sản lượng nuôi trồng tập trung. Theo đó, quy hoạch vùng nuôi biển tập trung trên địa bàn huyện đã được tích hợp vào Quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; trên 400 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Vùng trồng cây quế ở huyện Đầm Hà đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Đến nay, đã có gần 350 ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ của tỉnh đã được cấp visa xuất ngoại và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu, giá bán từ 23.000-25.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với quế thông thường).
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()