Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:46 (GMT +7)
Bức tranh sáng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 6, 02/04/2021 | 07:11:32 [GMT +7] A A
Khoảng 5 năm gần đây, diện mạo các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi thay, kinh tế - xã hội phát triển, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy, tạo nên bức tranh sinh động, tươi sáng. Nhờ biết phát huy nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của trung ương, tỉnh và địa phương, các thôn, bản đã bứt phá đi lên, xây dựng cuộc sống mới.
Những tỷ phủ, triệu phú ở thôn, bản
Anh Nịnh Văn Trắng, người dân tộc Sán Chỉ ở thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh là người đầu tiên tại huyện miền núi Ba Chẽ nhân giống thành công cây trà hoa vàng. |
Đến xã Đạp Thanh, một trong những địa bàn khó khăn thuộc huyện miền núi Ba Chẽ, không ai không biết đến anh Nịnh Văn Trắng, dân tộc Sán Chỉ, được bà con gọi là tỷ phú của thôn. Anh Trắng là người đầu tiên của huyện nhân giống thành công cây trà hoa vàng. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 12 anh, chị em ở thôn nghèo Khe Xa (xã Đạp Thanh), nên anh luôn trăn trở làm thế nào để gia đình mình và bà con Khe Xa thoát nghèo. Từ trăn trở đó, với sự kiên trì, ý chí cao, cùng sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ xã, huyện, anh Trắng đã thành công khởi nghiệp từ chính cây trà hoa vàng ở địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, anh bảo: "Nhận thấy cây trà hoa vàng rất thích hợp với thổ nhưỡng ở xã, nên tôi đã mạnh dạn trồng thử. Khởi đầu rất khó khăn do chưa biết trồng, nên cây chết rất nhiều. Song nhờ các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, năm 2013, vụ đầu tiên tôi thu hoạch được hơn 100kg hoa tươi, sấy khô được hơn 14kg. Khi ấy, giá 1,4 triệu đồng/kg hoa khô, tôi thu được gần 20 triệu đồng".
Thành công bước đầu đã thôi thúc anh quyết tâm nhân rộng mô hình trồng cây trà hoa vàng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cùng những kinh nghiệm riêng của mình, anh đã bảo đảm tỷ lệ 99% cây sống sau nhân giống. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, anh đầu tư hệ thống máy móc, thu mua hoa của bà con để chế biến thành sản phẩm. Anh thành lập Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh. Mỗi năm, Công ty của anh thu được khoảng 400kg hoa tươi, tương đương hơn 1 tạ hoa khô, giá 15 triệu đồng/kg; tổng doanh thu gần 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 2-3 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao. |
Năm 2015, sản phẩm trà hoa vàng của anh Trắng đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP địa phương, đến nay được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao. Khởi đầu từ gia đình anh Trắng, mô hình trồng cây trà hoa vàng đã lan rộng trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Đến nay đã có gần 300ha cây trà hoa vàng được bà con ở các xã miền núi, đồng bào DTTS trồng thành công. Theo định hướng quy hoạch của huyện Ba Chẽ, đến hết năm 2025, huyện sẽ trồng khoảng 800ha cây trà hoa vàng.
Ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu), những triệu phú là người đồng bào DTTS không còn xa lạ. Trong đó phải kể đến anh Trần A Chiu, dân tộc Sán Chỉ, thôn Mó Túc, là ông chủ trẻ của HTX Nông lâm và Dịch vụ Húc Động. Mở cơ sở sản xuất miến dong từ đầu năm 2018, nhưng lượng tiêu thụ dong củ và miến thành phẩm của cơ sở anh Chiu không thua kém bất cứ cơ sở lâu đời nào ở xã.
Cơ sở sản xuất miến dong của anh Trần A Chiu (thôn Mó Túc, xã Húc Động, huyện Bình Liêu). |
Trước đây, gia đình anh chủ yếu chế biến miến dong theo cách truyền thống, máy móc thô sơ, nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ gần 400 triệu đồng đầu tư máy chế biến miến dong. Từ đó, sản lượng, chất lượng miến thành phẩm được nâng lên rõ rệt; sản lượng thu mua củ dong của bà con hằng năm đều tăng, cao nhất là thời điểm năm 2019, gia đình anh đã thu mua 1.200 tấn củ dong, chế biến được gần 90 tấn miến dong thành phẩm, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng. HTX của anh đã tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động địa phương, với mức thu nhập 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Anh Chiu cho biết: Được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất miến dong. So với làm thủ công, sản xuất bằng công nghệ máy móc đã làm tăng sản lượng ít nhất gấp 3 lần. Cơ sở sản xuất miến được mở rộng, hoạt động tốt hơn, phát triển thành HTX Nông lâm và Dịch vụ Húc Động. Từ khi thành lập HTX đến nay, sản phẩm miến dong của cơ sở anh có chất lượng tốt, đẹp, bao tiêu được củ dong cho bà con trong thôn và các thôn, bản lân cận trong và ngoài xã.
"Không để ai bị bỏ lại phía sau"
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trò chuyện với các đại biểu DTTS dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh lần thứ V, tháng 9/2020. |
Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, những tấm gương đồng bào DTTS điển hình vượt khó, vươn lên, trở thành tỷ phú, triệu phú ở thôn, bản ngày một nhiều. Họ chính là nhân tố lan tỏa thành công ra cộng đồng, minh chứng cho việc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đã đi vào cuộc sống hiệu quả.
Những năm qua, tỉnh đã ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS, miền núi; đặc biệt, thông qua Chương trình 135, Đề án 196, Chương trình xây dựng nông thôn mới... Trong đó, tập trung lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu cốt lõi; lấy phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, có tính động lực làm nhiệm vụ tiếp tục ưu tiên thực hiện; lấy phát huy vai trò chủ thể của chính cộng đồng, người dân, và tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS là giải pháp trung tâm để triển khai thực hiện.
Đồng bào dân tộc Dao huyện Bình Liêu tìm hiểu về quy trình sản xuất trà túi lọc từ cây dược liệu. Ảnh: Nguyên Ngọc |
Để đảm bảo các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đến với đồng bào DTTS, các cấp ngành, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng đúng mục đích các nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cụ thể hóa bằng các quyết định để chỉ đạo tổ chức triển khai và đôn đốc tiến độ. Khâu trợ giúp kỹ thuật và giám sát được thực hiện thường xuyên để các hộ dân được hỗ trợ thực hiện hiệu quả.
Từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân vùng đồng bào DTTS đã dần thay đổi tập quán canh tác, chú trọng chuyển đổi sang những giống cây trồng, vật nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo ngày một đổi thay rõ rệt.
Anh Ngô Tiến Ngọc (thôn Nà Áng, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) cho biết: Những năm trước đây, nhà tôi chỉ nuôi khoảng 300 con gà. Từ năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị con giống theo chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đã mạnh dạn nuôi 1.000 con gà, sau tăng lên 2.000 con. Mỗi lứa nuôi 1.000 con (từ 3-4 tháng) cho thu nhập hơn 60 triệu đồng. Tới đây gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại, nuôi thêm khoảng 2.000-3.000 con gà.
Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 555 hộ đồng bào DTTS nghèo, chiếm 66,3% tổng số hộ nghèo cả tỉnh. Để thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bà con đồng bào DTTS, tỉnh đang xây dựng Đề án Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án này là bước phát triển tiếp theo của Đề án 196 ở mức cao hơn, gắn với Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao, kiểu mẫu, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong đó, xác định rõ quan điểm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi biên giới hải đảo là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với đẩy mạnh chương trình giảm nghèo. Đồng thời, nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS; thu hẹp nhanh khoảng cách về mức sống so với mức bình quân của tỉnh.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()