Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 03:16 (GMT +7)
Bước đà cho giai đoạn mới
Thứ 6, 17/12/2021 | 08:23:34 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, với quan điểm kiên định mục tiêu; quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, lần lượt những khó khăn, thách thức đã được tỉnh Quảng Ninh tháo gỡ. Đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện thành công, hiệu quả nhiệm vụ cả năm. Đây chính là động lực quan trọng tạo bước đà để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện những mục tiêu đề ra cho giai đoạn mới.
Là địa phương có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt KT-XH của tỉnh. Trong bối cảnh vô vàn khó khăn, thách thức, Quảng Ninh luôn ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”.
Bước sang quý IV/2021, khi Chính phủ quyết định chuyển sang chiến lược “sống chung an toàn với Covid-19”, những thách thức mới trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội xuất hiện. Trong đó, phải kể đến nguy cơ xáo trộn trong cộng đồng, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp cũng lớn hơn với Quảng Ninh; một số chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn, đứt gãy, giá nguyên, nhiên vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý và lao động chất lượng cao, nhà thầu nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư, đầu tư công bị gián đoạn... Điều này, đã tác động rất lớn đến tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
Nhận định rõ khó khăn của dịch bệnh tác động đến những ngành kinh tế chủ lực, Quảng Ninh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, chuyển đổi nhanh nhạy, kịp thời. Theo đó, căn cứ tình hình cụ thể trong từng giai đoạn, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kịch bản phát triển kinh tế, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát với tất cả các biện pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tối đa sức sản xuất cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành than, điện, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử. Trong đó, phải kể đến là chuyển hướng trọng tâm phát triển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, giá trị gia tăng lớn. Cùng với đó, tích cực có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, thương mại bán lẻ, biên giới, xuất nhập khẩu; cơ cấu lại ngành thủy sản - đây cũng là một ngành có sức hút và phát triển của Quảng Ninh.
Đặc biệt, để giữ môi trường an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, Quảng Ninh đã tích cực đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Cụ thể, hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp; có mô hình gặp mặt doanh nghiệp hàng tuần trong từng lĩnh vực cho nhóm doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp. Tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, Tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế (Quảng Yên, Việt Hưng, Đông Triều, Đầm Hà...).
Song song với đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo kịp thời những chính sách của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của người dân chịu ảnh hưởng của Covid-19. HĐND tỉnh đã ban hành đồng bộ, kịp thời một số Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách và giải pháp đặc thù phòng chống Covid-19 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu du lịch trong bối cảnh dịch bệnh.
Quảng Ninh cũng thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, động lực cả trong và ngoài ngân sách bằng nhiều giải pháp cụ thể; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thi công các dự án; phát động thi đua cao điểm để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, hoàn thành 3 công trình động lực, trọng điểm như đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển nối Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1...
Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện. Các cấp, các ngành đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, với mục tiêu tiếp tục giữ vững và cải thiện điểm số của các Chỉ số PCI, Par Index, SIPAS, PAPI. Hoàn thành Đề án và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 9/4/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đến nay, đã cung cấp 1.712/1.831 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Có thể thấy, với sự quyết liệt, đồng bộ, sát sao trong công tác chỉ đạo điều hành, trong lúc nhiều địa phương phải đóng cửa chống dịch, kinh tế đình trệ, tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với con số ấn tượng từ 7,75% trong 6 tháng đầu năm lên 12,52% trong sáu tháng cuối năm và cả năm ước đạt 10,28%, con số này của cả năm cao hơn 1,07% điểm so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao thứ hai so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Như vậy, đây là năm thứ sáu liên tiếp tỉnh Quảng Ninh ghi nhận tăng trưởng hai con số. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh cũng tiếp tục tăng, ước đạt 7.614 USD/người/năm; tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 360.774 tỷ đồng, trong đó thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt trên 1 tỷ USD, gấp 2,67 lần so với cùng kỳ...
Chuẩn bị khép lại năm 2021 với việc cán đích thành công và bước vào năm 2022 với những mục tiêu quan trọng trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen, đặc biệt là khi dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Quảng Ninh chưa bao giờ chủ quan mà luôn chủ động nhìn nhận khuyết điểm và bàn giải pháp cho năm tới.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%, thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, thu hút vốn FDI đạt 1,5 tỷ USD... Để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo kế hoạch, Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai thực hiện 15 đề án, chương trình trọng điểm; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, cơ cấu lại nền kinh tế. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch; quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người... Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, rõ ràng, cùng sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chắc chắn năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bứt phá về mọi mặt, xứng đáng là cực tăng trưởng kinh tế của cả vùng và khu vực phía Bắc.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()