Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 14:33 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân nông thôn
Thứ 4, 23/10/2024 | 16:54:32 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã có sự bứt phát toàn diện. Vùng quê NTM ngày càng “thay da đổi thịt”, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Đảm bảo an sinh xã hội
Năm 2023 chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho hộ nghèo, khó khăn được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, gia đình ông Nịnh Văn Dảu (thôn Nà Luông, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) được chính quyền và các đơn vị hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà ở mới. Sau 3 tháng thi công, cuối tháng 10/2023 gia đình ông đã chuyển vào sinh sống tại ngôi nhà mới. Ông Dảu cho biết: “Có được căn nhà mới sinh sống, cả gia đình tôi ai cũng phấn khởi cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế để thoát nghèo”.
Gia đình anh Bế Văn Lỵ (thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) thuộc diện hộ nghèo, năm 2017 được vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mua 3.000 con gà giống, chăn nuôi. Năm 2018 gia đình anh đã thoát nghèo. Hiện anh phát triển đàn gà 8.000 con, thu nhập từ 200-300 triệu đồng mỗi năm.
Thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa sinh kế; xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; thực hiện các mô hình, tập huấn kỹ thuật…
Cùng với đó tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo. Tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, bảo hiểm y tế, giáo dục...
Giai đoạn 2020-2023 tổng chi cho an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh hơn 7.400 tỷ đồng, tập trung vào các chính sách về việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, bảo hiểm, nâng cao đời sống của người cao tuổi, người neo đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi...
Người dân thụ hưởng thành quả
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, nhiều phong trào thi đua sôi nổi gắn với chương trình xây dựng NTM được người dân nhiệt tình tham gia, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Dân vận khéo”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Thắp sáng đường quê”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới”... Qua các phong trào, người dân hiến hàng trăm nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm nghìn ngày công; huy động hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, nhà tình nghĩa, xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo, làm đường bê tông liên thôn, kênh mương nội đồng, tu sửa nhà văn hoá, trạm y tế...
Bà Nguyễn Thị Ánh (thôn Phúc Thị, xã Việt Dân, TX Đông Triều) cho biết: “Nhờ chương trình xây dựng NTM, người dân có được những con đường bê tông trải dài, rộng rãi; được hội họp, sinh hoạt ở những khu nhà văn hóa đầy đủ tiện nghi về cơ sở vật chất. Đặc biệt, nhờ các cơ chế, chính sách từ tỉnh đến địa phương mà bà con đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại cuộc sống ấm no cho mỗi gia đình”.
Để mỗi người dân được hưởng thành quả của sự phát triển, tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều nghị quyết quan trọng xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 27/5/2021) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó tỉnh đã dành khoảng 2.600 tỷ đồng để đầu tư cho người dân vùng khó phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Tỉnh còn dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Giai đoạn 2021-2023 tỉnh đã ưu tiên dành 240 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để người dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Qua đó hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của trung ương; đang triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh cao hơn quy định của trung ương.
Thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; các giải pháp giảm nghèo đa chiều; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; quan tâm chăm lo phát triển giáo dục, y tế nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()