Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 07:56 (GMT +7)
Ca mắc tay chân miệng gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận ca nặng
Thứ 4, 14/06/2023 | 08:10:41 [GMT +7] A A
Hiện nay, bệnh tay chân miệng đã vào mùa. Sự xuất hiện của virus EV71 khiến dịch bệnh lây lan nhanh và gây ra tình trạng nặng ở trẻ em.
Bộ Y tế cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An.
So với cùng kỳ năm 2022 (12.649 ca mắc, 1 ca tử vong) số mắc giảm 28%, tử vong tăng 2 trường hợp. Trong đó ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (6.204 ca mắc, 2 ca tử vong), miền Bắc (2.007 ca mắc), miền Trung (656 ca mắc), Tây Nguyên (130 ca mắc, 1 ca tử vong).
Liên tục ghi nhận ca nặng
Tuy số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, điển hình là tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc tay chân miệng trong tuần 22 (29/5 - 4/6) đã tăng 133,3% so với trung bình 4 tuần trước đó. Theo đó, trong tuần 22, Thành phố ghi nhận 287 ca, trung bình 4 tuần trước là 123 ca. Số ca bệnh tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại. Tính đến nay, số mắc bệnh tay chân miệng tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1.972 ca.
Trong khoảng một tháng trở lại đây, các bệnh viện thuộc các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng, trong đó có một số trường hợp phải chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh điều trị; một số khác được cứu chữa kịp thời nhờ hội chẩn trực tuyến từ xa.
Bệnh viện Nhi đồng 1 liên tục nhận được đề nghị hỗ trợ hội chẩn từ xa cho các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng từ các bệnh viện tuyến tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An…
Tại Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn đang có chiều hướng tăng. Trong đó, khu vực Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn… ghi nhận số ca mắc tay chân miệng cao. Hiện, hầu hết số ca bệnh nhi mắc tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ngoài ra, cơ sở y tế này còn điều trị cho các bệnh nhi đến từ Quảng Ngãi, Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Đà Nẵng đang tăng cường tuyên truyền đến các phụ huynh về cách nhận biết bệnh cũng như các triệu chứng tăng nặng của bệnh tay chân miệng để kịp thời đưa trẻ đến viện.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bến Tre ghi nhận 203 ca mắc bệnh tay chân miệng; trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 5 - 6 ca mắc. Tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đang được quản lý tốt, không có ca nặng. Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường truyền thông về bệnh tay chân miệng đến các cơ sở giáo dục đang tổ chức dạy hè và tổ chức giám sát dịch bệnh chặt chẽ hơn.
Đề phòng biến chứng nguy hiểm
Theo các bác sĩ, trẻ bị tay chân miệng có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, viêm cơ tim, viêm não và có thể dẫn tới tử vong. Việc chăm sóc và theo dõi trẻ tay chân miệng, kịp thời phát hiện các biến chứng là vô cùng quan trọng.
Tiến sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh tay chân miệng ở nước ta có xu hướng xảy ra vào mùa hè và đầu thu. Trong năm nay, từ tháng 4 tới tháng 6 là thời điểm bệnh tay chân miệng đang gia tăng số ca mắc. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học. Hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7 - 10 ngày, giống như các sốt virus khác nhưng có một tỉ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp….
Theo bác sĩ Thúy, bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh lây theo đường tiêu hóa như ngăn chặn nguồn lây, vệ sinh sạch sẽ là điều rất quan trọng.
Để phòng bệnh tay chân miệng, các bác sĩ lưu ý, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã…
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; rửa sạch vật dụng ăn uống; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; hạn chế cho trẻ dùng chung đồ chơi, vật dụng sinh hoạt, không mớm thức ăn cho trẻ trong khi đang có dịch.
Thường xuyên vệ sinh các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi ở lớp trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.
Cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận và điều trị
Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng, tại văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng, ngày 12/6, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.
Đối với các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới các tỉnh, Bộ Y tế đề nghị rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường công tác theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên.
Cùng với đó tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, phân tuyến điều trị, tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh.
Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tham mưu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng: công tác truyền thông, bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị.
Theo baotintuc.vn
- Bộ Y tế yêu cầu tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng
- Phân biệt loét miệng và tay chân miệng
- Bệnh tay chân miệng xuất hiện virus EV71 gây bệnh nặng, Bộ Y tế yêu cầu tập trung phòng dịch
- Thời điểm trẻ bị tay chân miệng buộc phải nhập viện
- Cạn thuốc điều trị tay chân miệng nặng, TP.HCM ‘cầu cứu’ Bộ Y tế
Liên kết website
Ý kiến ()