Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:29 (GMT +7)
Cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước
Thứ 2, 13/02/2023 | 17:08:55 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị mở ra cơ hội mới đột phá cho vùng Đồng bằng sông Hồng phát huy vị trí địa bàn chiến lược, trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Ngày 29/11/2022, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Đồng bằng sông Hồng đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ: Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong Vùng Đồng bằng sông Hồng nhất định sẽ phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang, khí phách quật cường và tài năng, phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người "Bắc Hà"; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội và toàn Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực tăng trưởng Bắc Bộ đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Đồng bằng sông Hồng theo tinh thần: Cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước.
Và ngày 12/2/2023, tinh thần “Cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước” một lần nữa được khẳng định tại Hội nghị công bố chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm biến vùng Đồng bằng sông Hồng thành vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển vùng, bảo đảm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Vùng; đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong Vùng chỉ đạo nghiên cứu kỹ, xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng như: phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Hồng hiện đại, liên kết vùng và quốc tế; phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước; phát triển thị trường lao động, gắn kết cung cầu lao động đáp ứng nhu cầu phát triển vùng; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Đặc biệt, đại diện cho 11 địa phương trong vùng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam... đã thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; phát triển bền vững kinh tế biển Hải Phòng theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới; xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế tầm cỡ và là trung tâm kinh tế biển phát triển bền vững kết nối với khu vực và thế giới, liên kết với các địa phương trong vùng; giải pháp thu hút đầu tư vào Hà Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới...
Với vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc, thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế, vùng Đồng bằng sông Hồng cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Nhiều nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế cũng đã bày tỏ mong muốn đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Những điều này đã và đang mở ra cơ hội mới đột phá cho vùng Đồng bằng sông Hồng phát huy vị trí địa bàn chiến lược, trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Bảo Bình
- Khai mạc Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW
- Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Toàn văn Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Thủ tướng Chính phủ: Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ là vùng động lực phát triển hàng đầu của cả nước
- Thủ tướng Chính phủ cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật và gian hàng trưng bày các sản phẩm vùng đồng bằng Sông Hồng
Liên kết website
Ý kiến ()