Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:26 (GMT +7)
Các gói hỗ trợ tác động tích cực đến phục hồi và phát triển kinh tế
Thứ 5, 12/10/2023 | 16:46:12 [GMT +7] A A
Tiếp tục Phiên họp thứ 27, chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra
Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành đầy đủ 17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 8/2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%; hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030...
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021).
Liên quan đến chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc xây dựng danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đã được thực hiện phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng bố trí vốn quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thiện thủ tục đầu tư cần thiết các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình trong thời gian ngắn, bao gồm cả các dự án quan trọng quốc gia, dự án quy mô lớn, yêu cầu phức tạp, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, địa phương, nỗ lực triển khai để giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình.
Số vốn của Chương trình được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước các năm 2022, 2023 là gần 154 nghìn tỷ đồng…
Về những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai chính sách thuộc Chương trình đã được triển khai tích cực, tuy nhiên một số văn bản còn chậm so với yêu cầu đề ra. Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện...
Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, căn cứ tình hình triển khai thực tế và kiến nghị của các cơ quan liên quan, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét, quyết nghị một số nội dung theo thẩm quyền đối với một số vấn đề cấp bách, cần triển khai ngay; cho ý kiến để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định đối với một số nội dung khác.
Bổ sung phân tích những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 43
Thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, báo cáo đã đánh giá về những tồn tại, hạn chế, tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025, từ đó đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách tới khả năng phục hồi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Về chính sách tài khóa, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế. Một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,1% kế hoạch.
Việc giải ngân hết các gói hỗ trợ này theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về chính sách tiền tệ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện chính sách tiền tệ, phân tích cụ thể tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ bổ sung báo cáo số liệu giải ngân gói hỗ trợ từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; gói hỗ trợ đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế; gói hỗ trợ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm; bổ sung đánh giá kết quả huy động nguồn lực thực hiện các chính sách…
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()