Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:26 (GMT +7)
Các khoản thu hay xã hội hóa giáo dục đều phải đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch
Thứ 2, 25/09/2023 | 11:03:29 [GMT +7] A A
Năm học 2023-2024, trên địa bàn Quảng Ninh có 643 cơ sở giáo dục (mầm non: 224, tiểu học: 159, THCS: 188, THPT: 5, GDTX: 14). Cùng với hoạt động dạy và học tại các nhà trường, vấn đề thu chi đầu năm luôn được dư luận quan tâm.
Hiện nay, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn Quảng Ninh được quy định tại Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh. Năm học 2023-2024, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các quy định chung, Sở GD&ĐT đã ban hành Hướng dẫn số 2593/SGDĐT-KHTC ngày 19/9/2023 thay thế Hướng dẫn số 3025/HD-SGDĐT ngày 22/10/2021 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND.
Văn bản hướng dẫn mới đã làm rõ một số vấn đề vướng mắc, bất cập, để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các khoản thu dịch vụ đảm bảo đúng quy định, đồng thời nâng cao trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các khoản thu dịch vụ. Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng có văn bản số 2606/SGDĐT-KHTC ngày 21/9/2023 chấn chỉnh các khoản thu, chi năm học 2023-2024.
Sở GD&ĐT hằng năm đều có văn bản chấn chỉnh, nêu rõ các quy định về việc thu, chi trong các cơ sở giáo dục và nhấn mạnh tới trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện những khoản thu, hay xã hội hóa giáo dục, phải đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch tới phụ huynh học sinh.
Mới đây, ngày 31/7/2023 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, trong đó Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo: “khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024”.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.
Tại cuộc họp ngày 17/7 về cơ chế thu, quản lý học phí, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh chính sách học phí vừa phải công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ dịch vụ giáo dục, đào tạo; đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là chăm lo cho đối tượng chính sách, yếu thế, người khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của chính sách học phí mới là bảo đảm mọi trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường để thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông; quan tâm, đề cao hơn nữa giáo dục nghề nghiệp để mọi người được đào tạo, có nghề nghiệp; chú trọng thu hút sinh viên có năng lực, đào tạo nhân tài ở bậc đại học.
Do vậy, quá trình xây dựng chính sách học phí mới phải được nghiên cứu toàn diện, đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ngành, các cấp, bao phủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến của người dân. Mọi chính sách làm gia tăng chi trả của người dân phải tính toán, đánh giá kỹ lưỡng.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()