Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:51 (GMT +7)
Cần tiếp tục trợ lực cho giáo dục vùng cao
Thứ 6, 22/09/2023 | 10:14:34 [GMT +7] A A
Để mọi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đã được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Nghị quyết số 204 đã hết thời gian thực hiện, do đó đã tác động không nhỏ đến hiệu quả chăm sóc, giáo dục học sinh trong năm học mới.
Ngày 30/7/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Ngày 31/3/2020, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 248/2020/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND. Theo đó, các đối tượng trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên ở các xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, được hưởng một số chính sách hỗ trợ như: Tiền ăn trưa; kinh phí tổ chức dạy hè, tổ chức nấu ăn; hỗ trợ học sinh năng khiếu, VĐV thể dục thể thao tiền thuê phương tiện đi học tại cơ sở giáo dục…
Theo thống kê, trong 4 năm thực hiện Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 248/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã có 359 cơ sở giáo dục với trên 75.000 lượt đối tượng được thụ hưởng các chính sách đặc thù, tổng số kinh phí chi trả là 167,3 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ tiền ăn 270.000 đồng/tháng/học sinh bán trú ngày; 720.000 đồng/tháng/học sinh bán trú tuần; trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn 149.000 đồng/tháng/trẻ; cùng với các khoản hỗ trợ thuê người nấu ăn, chăm sóc… Các chính sách được triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh phát triển toàn diện, giúp sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới, chất lượng giáo dục của tỉnh được nâng lên rõ rệt; đảm bảo an sinh xã hội ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Thầy giáo Nguyễn Văn Chung, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS Nam Sơn (huyện Ba Chẽ), cho biết: Học sinh của trường có tới 90% là người dân tộc Dao, sống ở các điểm xa trường học, nhiều học sinh phải vượt hàng chục km đến trường. Cha mẹ các em đều làm nghề nông, bận rộn cả ngày nên ít có điều kiện đưa đón, hay nấu cơm cho con ăn để đi học đúng giờ. Vì vậy, khi Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 248/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được ban hành, các học sinh của trường được hỗ trợ tiền ăn trưa, chăm sóc bán trú... qua đó không chỉ giúp cha mẹ học sinh bớt phần đóng góp kinh phí, học sinh an toàn khi đến trường, mà còn đảm bảo điều kiện cho học sinh được học 2 buổi/ngày. Đây cũng là động lực quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như duy trì kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 56 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, 12 thôn đặc biệt khó khăn. Như vậy những đối tượng ở các xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, trong đó có Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 248/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cụ thể, kể từ tháng 5/2023, các chính sách đặc thù cho giáo dục vùng cao, trong đó có hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non và học sinh bán trú ngày, bán trú tuần theo Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã hết thời gian thực hiện.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 10.000 trẻ mầm non và gần 2.500 học sinh tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND. Mặc dù đã có nhiều cải thiện, song đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, đã tác động không nhỏ đến hiệu quả chăm sóc, giáo dục học sinh trong năm học mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Xuyên, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên), chia sẻ: Năm học 2023-2024, Trường PTDT bán trú TH&THCS Hà Lâu có 465 học sinh, trong đó 164 em nhà ở xa trường, hoặc từ nhà đến nơi học địa hình cách trở, không thể đến trường và trở về nhà trong ngày, hoặc không thể về nhà và đến trường giữa 2 buổi học. Không còn được hưởng hỗ trợ tiền ăn bán trú cho vùng khó, nhiều học sinh có nguy cơ nghỉ học, nhiều gia đình nỗ lực cho con em đến trường thì bữa cơm mang theo cũng không đảm bảo dinh dưỡng.
Như vậy có thể thấy, việc tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trẻ em, học sinh, học viên ở các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và các thôn, xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là hết sức cần thiết. Để từ đó, góp phần đảm bảo chính sách hỗ trợ của tỉnh được thực hiện liên tục, tiếp tục phát huy hiệu quả và ổn định hoạt động dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng DTTS và miền núi.
Trúc Linh
- Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục
- Chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục
- Đầm Hà: Hiệu quả của dồn ghép điểm trường và tổ chức ăn ở bán trú
- Giữ vững thành quả phổ cập giáo dục xóa mù chữ
- Trường mầm non chất lượng cao Việt Úc Vân Đồn: Vì một nền giáo dục toàn diện cho trẻ
- Tiếp tục tạo bứt phá về chất lượng giáo dục
Liên kết website
Ý kiến ()