Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:32 (GMT +7)
Các mức xử phạt khi doanh nghiệp không chốt sổ BHXH cho người lao động
Thứ 5, 02/02/2023 | 16:20:47 [GMT +7] A A
Theo quy định, nếu doanh nghiệp không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì có thể bị xử phạt với nhiều mức khác nhau.
Khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động gồm:
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Đồng thời, Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội là của người sử dụng lao động (doanh nghiệp).
Nếu doanh nghiệp không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì có thể bị xử phạt với các mức sau đây:
Khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đồng thời, theo Điểm d Khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()