Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:12 (GMT +7)
Các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Thứ 7, 27/05/2023 | 14:14:21 [GMT +7] A A
TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cho biết: Theo tính toán, cứ lãi suất cho vay giảm 1%, ước tính toàn bộ nền kinh tế giảm 140.000 tỷ đồng chi phí lãi vay. Đây là mức chi phí rất lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
“Tuy nhiên giảm mức độ nào còn tùy thuộc vào sức khoẻ tài chính, chi phí lãi suất đầu vào của mỗi ngân hàng. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp đặc biệt, họ phải cùng lúc đảm nhận rất nhiều mục tiêu như vừa đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, lợi ích của các cổ đông và quan trọng là an toàn của hệ thống. Do đó, không thể chỉ dựa vào chính sách tiền tệ và mong muốn hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành liên quan”, TS Lê Duy Bình cho biết.
Ngoài ra theo các chuyên gia kinh tế, để vượt qua khó khăn lúc này, các doanh nghiệp cần tìm cách đa dạng hoá thị trường để chống đỡ, không tập trung vào một thị trường. Cũng như ngân hàng, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cần tăng khả năng dự báo...
Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với những mức giảm khác nhau. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Tống Huy Mẫn, Giám đốc Phát triển sản phẩm huy động vốn PVcomBank cho biết: Giảm lãi suất điều hành của NHNN thường đi kèm với việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM). Điều này có thể kích thích hoạt động vay vốn của khách hàng, đặc biệt cá nhân và doanh nghiệp. Lãi suất vay thấp hơn có thể tạo cơ hội cho người vay tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng.
“Việc giảm lãi suất điều hành có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NHTM. Khi lãi suất vay giảm, khoản thu lãi từ các khoản vay cũng giảm đi. Tuy nhiên đối với các NHTM nói chung và PVcomBank nói riêng đây cũng là việc mà các ngân hàng cần phải làm để cùng đồng hành với khách hàng của mình giúp cho các khách hàng có một sức khoẻ tài chính tốt hơn, giảm thiểu phát sinh nợ xấu”, ông Tống Huy Mẫn cho biết.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Tiên phong cho biết: “Hiện tại cầu tín dụng ở ngân hàng Tiên phong tăng hơn 5%. Nếu lãi suất thấp, khách hàng dễ tiếp cận vốn hơn. Trong giai đoạn hiện nay, thu nhập của doanh nghiệp đang giảm, chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng.
"Một khi lãi suất dễ chịu hơn, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng", ông Nguyễn Hưng nhận định.
Mới đây, PVcomBank thông báo đẩy mạnh triển khai gói tín dụng ưu đãi lên tới 13.500 tỷ đồng phục cho vay khách hàng với mức lãi suất cho vay giảm tới 4% so với lãi suất thông thường. Đối tượng được hưởng ưu đãi gồm các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà/đất để ở, mua ô tô, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ vay sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất và phân phối các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu… Gói tín dụng ưu đãi này sẽ được triển khai đến hết 31/01/2024 hoặc khi hết dư địa giải ngân. Với gói tín dụng này, tùy theo mục đích vay vốn tại PVcomBank, khách hàng có thể được hưởng lãi suất ưu đãi khởi điểm chỉ từ 10%/năm, hạn mức lên tới 20 tỷ đồng, linh hoạt phương án trả lãi, gốc.
Ông Ngô Đăng Hoan, Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân PVcomBank cho biết: Với gói tín dụng ưu đãi 13.500 tỷ đồng, các chi nhánh, phòng giao dịch PVcomBank trên toàn quốc sẽ tập trung phục vụ phân khúc khách hàng là hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ (m.SME), các cá nhân có nhu cầu mua nhà để ở. Trong đó, ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay tại những dự án chung cư, nhà ở riêng lẻ, dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân tại các khu công nghiệp.
“Đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay mua nhà ở xã hội, nhà cho công nhân là phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ do biên lợi nhuận mỏng hơn các mục đích tín dụng khác. Tuy nhiên, mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là tạo điều kiện để người dân, công nhân, người lao động thu nhập thấp có cơ hội sở hữu một căn nhà với chi phí hợp lý, làm nơi lưu trú, an cư. Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng gói tín dụng 13.500 tỷ đồng này sẽ góp phần hỗ trợ sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới”, ông Ngô Đăng Hoan cho biết.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) đang triển khai đồng bộ gói tín dụng 5.000 tỷ đồng và ra mắt sản phẩm mới “Cho vay siêu nhanh sản xuất kinh doanh trong 24h”. Cụ thể, khách hàng là cá nhân, chủ hộ kinh doanh có thể vay tới 90% nhu cầu, số tiền cho vay tối đa 3 tỷ đồng với lãi suất cạnh tranh, phương thức trả nợ linh hoạt, thời gian cho vay lên tới 10 năm.
Đây là sản phẩm được LPBank thiết kế “may đo” dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ưu điểm nổi bật của sản phẩm là thời gian thông báo cấp tín dụng trong 24h. Đặc biệt yêu cầu về hồ sơ thủ tục đơn giản, linh hoạt so với các sản phẩm tín dụng khác. Bên cạnh gói sản phẩm cho vay nhanh sản xuất kinh doanh, LPBank cũng đồng thời triển khai chương trình “Ưu đãi lãi vay - giải pháp trao tay” với lãi suất giảm từ 0.5 - 1% kể từ nay tới hết ngày 30/9/2023.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nền kinh tế đang ở giai đoạn hết sức khó khăn, tín dụng tăng trưởng rất chậm... Trong bối cảnh đó, NHNN luôn theo dõi, phân tích sát với tình hình để đưa ra những chính sách điều hành phù hợp với thực tế. Với nền kinh tế có quy mô nhỏ nhưng độ mở lại rất lớn nên có 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy giảm kinh tế và xung đột địa chính trị trên thế giới. Thị trường trong nước đối với 2 lĩnh vực này cũng rất khó khăn.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo chung (Thông báo số 167/TB-VPCP), trong đó yêu cầu NHNN nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi có giá trị 10.000 tỷ đồng cho hai lĩnh vực này.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng: Nếu so với dư nợ tín dụng của 2 lĩnh vực trên hiện nay thì quy mô gói tín dụng là quá nhỏ. Hơn nữa, với 10.000 tỷ đồng thì không giải quyết hết được những khó khăn hiện nay. Do đó, Phó Thống đốc đề nghị không nên giới hạn gói tín dụng này mà cần đặt ra cơ chế tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp duy trì và phát triển.
"Đề nghị các NHTM cố gắng duy trì hạn mức đã cấp cho doanh nghiệp, không nên cắt giảm. Nếu trường hợp thiếu hạn mức tín dụng đối với hai lĩnh vực này, TCTD báo lại NHNN để có điều chỉnh", Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()