Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:38 (GMT +7)
Các nước tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ thế nào, độ tuổi quy định ra sao?
Thứ 3, 19/10/2021 | 10:40:33 [GMT +7] A A
Các nước trên thế giới đã tiêm vaccine COVID-19 trong nhiều tháng, nhưng độ tuổi và các khuyến cáo mà mỗi quốc gia đưa ra có sự khác biệt.
Hồi đầu tháng 5, Canada là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng vaccine Pfizer ở trẻ từ 12-15 tuổi. "Đây là loại vaccine đầu tiên được cấp phép ở Canada để phòng ngừa COVID-19 ở trẻ em, đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch tại quốc gia này", cố vấn chính của cơ quan y tế Canada Supriya Sharma nói vào thời điểm triển khai chiến dịch.
Hiện quốc gia Bắc Mỹ chủng ngừa vaccine cho 80% dân số từ 12 tuổi trở lên.
Nối gót Canada, giữa tháng 5, Mỹ tiêm vaccine cho trẻ 12-15 tuổi sau khi số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta.
Vaccine được sử dụng duy nhất để tiêm cho trẻ em Mỹ là Pfizer và 2 mũi phải cách nhau 21 ngày.
Việc tiêm chủng cho trẻ ở Mỹ bị chững lại sau khi một số bang ghi nhận vài trường hợp gặp vấn đề về tim sau tiêm như bệnh viêm cơ tim. Riêng tại bang Tennessee, kế hoạch tiêm vaccine phải tạm ngừng do một số nhà lập pháp phản đối mạnh mẽ.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, 55% số trẻ 12-15 tuổi ở Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
Trong 2 tuần tới, giới chức liên bang sẽ thảo luận kế hoạch cung cấp các phiên bản vaccine với liều lượng thấp hơn cho 28 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-11 trên toàn quốc.
Độ tuổi tiêm chủng
Độ tuổi tiêm chủng vaccine cho trẻ được quy định khác nhau giữa các nước.
Cuba hồi đầu tháng 9 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho trẻ 2-11 tuổi, sử dụng vaccine Soberana 02 do nước này tự sản xuất.
Ở Đức, từ tháng 6, các cố vấn khoa học nước này khuyến cáo chỉ nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi có tình trạng sức khỏe cơ bản. Tuy nhiên, sang tháng 8 khi biến thể Delta lưu hành rộng rãi, việc triển khai vaccine mở rộng cho tất cả những người trên 12 tuổi.
Các nước Ba Lan, Anh, Italy, Đức đều đã mở rộng tiêm chủng cho các trẻ từ 12-17 tuổi.
Với Na Uy, quốc gia này triển khai vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-15 tuổi, nhưng sẽ chỉ tiêm liều đầu tiên và quyết định về liều thứ 2 sẽ được công bố sau.
Hàng loạt quốc gia châu Á cũng đã rục rịch với chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ.
Ngay từ cuối tháng 5, Nhật Bản phê duyệt tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-15 tuổi.
Từ tháng 6, Trung Quốc phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 cho đối tượng từ 3-17 tuổi. Ngay sau đó, từ khoảng giữa tháng 7, thời điểm các trường học ở Trung Quốc nghỉ hè, công tác tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi chính thức được triển khai.
Trong thông báo đưa ra đầu tháng 8, Bộ Giáo dục Trung Quốc nêu rõ việc tiêm chủng cần được thực hiện với tất cả học sinh đủ điều kiện dưới 18 tuổi với sự đồng ý, tự nguyện của học sinh và người giám hộ.
Với những trẻ đang đi học, việc triển khai tiêm chủng sẽ được tính theo đơn vị trường. Nhóm 16-17 tuổi đã có việc làm sẽ do ngành chủ quản và các quận, huyện phối hợp tổ chức. Nếu không thuộc hai nhóm đối tượng này (bao gồm cả trẻ đi du học), sẽ do xã, phường và khu dân cư tổ chức.
Từ ngày 5/10, Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận đặt lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi.
Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới dự kiến bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 2-18 tuổi vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm COVID của Ấn Độ VK Paul cho biết nước này sẽ không vội vàng triển khai chích ngừa cho nhóm này và quyết định cuối cùng về thời điểm tiêm chủng sẽ dựa vào "cơ sở lý luận khoa học tổng thể và tình hình cung cấp vaccine được cấp phép cho trẻ".
Đông Nam Á tiêm vaccine cho trẻ ra sao?
Ngày 15/10, Philippines khởi động chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi với mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh khi các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Philippines ưu tiên tiêm phòng cho 1,2 triệu trẻ em đủ điều kiện. Trước đó, nước này đã phê duyệt hai loại vaccine Pfizer và Moderna để tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ vị thành niên.
Campuchia là một trong những nước tiêm chủng cho trẻ nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Khmer Times, Campuchia đã tiêm vaccine COVID-19 cho 97,98% trong tổng số 1.897.382 trẻ từ 6-12 tuổi.
Indonesia cấp giấy phép tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi từ đầu tháng 7 và đang tiếp tục thúc đẩy chương trình này tại nhiều khu vực.
Từ 20/9, trẻ 12-17 tuổi ở Malaysia bắt đầu tiêm vaccine Pfizer. Tới 1/10, nước này phê duyệt có điều kiện tiêm vaccine Sinovac cho nhóm đối tượng này.
Thái Lan cũng bắt đầu chích ngừa vaccine cho trẻ từ 12 tuổi lên từ 4/10.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tỏ ra khá thận trọng với việc mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ.
Singapore dự kiến sẽ tiêm chủng cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022. "Trong bối cảnh số ca bệnh ngày càng tăng, các bậc cha mẹ rất lo lắng về nguy cơ con mình bị mắc COVID-19. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tiến trình thử nghiệm vaccine trên trẻ em ở Mỹ", Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.
Ông Lý nói Singapore sẽ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em ngay sau khi vaccine được phê duyệt cho nhóm này, với điều kiện các chuyên gia cũng đảm bảo rằng điều này là an toàn.
Lào vẫn đang yêu cầu các quan chức giáo dục trên cả nước làm việc với chính quyền địa phương để nắm được số lượng học sinh từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng COVID-19.
Cục trưởng Cục Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế, Tiến sĩ Rattanaxay Phetsouvanh cho biết việc tiêm chủng cho trẻ em còn phụ thuộc vào số lượng vaccine sẵn có và sẽ chỉ được thực hiện với sự đồng ý của các bậc phụ huynh.
Theo đó, các học sinh sống tại khu vực đỏ sẽ được ưu tiên tiêm trước tiên, trong khi vaccine của Pfizer chỉ được cung cấp cho các học sinh từ 12 đến 17 tuổi có vấn đề về sức khỏe, vaccine của Sinopharm và các loại vaccine khác sẽ được tiêm cho các học sinh còn lại, ở cả trường công và trường tư.
Khuyến cáo
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trẻ em và thanh thiếu niên xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so với người lớn. Do đó, việc tiêm chủng cho trẻ ít khẩn cấp hơn so với người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính và nhân viên y tế.
"Tất cả các loại vaccine đang được thử nghiệm ở trẻ em để đảm bảo chúng an toàn cũng như hiệu quả, xác định liều lượng sử dụng. Và khi những vaccine này được triển khai ở trẻ em, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tính an toàn thông qua các hệ thống báo cáo dữ liệu.
Tất cả dữ liệu được gửi đến WHO từ các cơ quan quản lý, từ các hệ thống giám sát toàn cầu sẽ giúp chúng tôi đưa ra các khuyến nghị về an toàn và theo đó là một hướng dẫn chung về việc tiêm chủng", nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới Soumya Swaminathan cho biết.
Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO xác nhận vaccine của Pfizer phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 12-15 tuổi có nguy cơ cao có thể tiêm vaccine này cùng với các nhóm ưu tiên khác.
Giới chức y tế các nước cũng ban hành một số hướng dẫn cụ thể với việc chích ngừa cho trẻ.
CDC Mỹ (CDC) khẳng định vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả. Tiêm vaccine có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc COVID-19, ngăn ngừa lây lan, không trở nặng. Trẻ em trên 12 tuổi nhận liều lượng vaccine của Pfizer giống như người lớn (không thay đổi theo trọng lượng). Hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần.
CDC khuyến cáo trước khi đưa trẻ đi tiêm, người giám hộ nên tìm hiểu về cách hỗ trợ trẻ trước, trong và sau tiêm. Bên cạnh đó, cũng cần chia sẻ với trẻ về việc tiêm chủng, thông báo với bác sĩ về các loại dị ứng của trẻ (nếu có).
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()