Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:16 (GMT +7)
Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay
Thứ 7, 18/12/2021 | 15:52:16 [GMT +7] A A
Sử dụng máy tính và điện thoại nhiều có thể bị hội chứng ống cổ tay. Nếu được điều trị bệnh sớm sẽ phòng tránh thương tổn thần kinh về lâu dài. Ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần thay đổi các hoạt động sinh hoạt nhưng nếu nặng thì cần phải vật lý trị liệu, nẹp cổ tay, uống thuốc hoặc phẫu thuật.
Phương thức điều trị cho người bị hội chứng ống cổ thay được lựa chọn phụ thuộc vào mức độ bệnh của người bệnh. Thầy thuốc sẽ giúp bệnh nhân giải đáp thắc mắc liên quan đến lựa chọn điều trị tối ưu nhất.
Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân bao gồm sửa đổi hoạt động sinh hoạt, giãn cơ và chườm đá.
Ở mức độ nặng, các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay bao gồm: vật lý trị liệu, nẹp cổ tay, hay các thuốc nội khoa hoặc điều trị phẫu thuật để nới rộng khoang ống cổ tay.
1. Điều trị bảo tồn hội chứng ống cổ tay
Hạn chế vận động và nghỉ ngơi:
- Bệnh nhân cần giảm hoặc ngưng hẳn những hoạt động gây áp lực, gây đau và gây tê bì tại cổ-bàn tay.
- Nếu hoạt động liên quan đến cổ tay, nên tăng thời gian nghỉ ngơi.
- Cần nỗ lực duy trì tư thế tốt, đặc biệt là tư thế vùng cổ và vai.
Giãn cơ và tăng cơ lực:
- Một số bài tập thể chất hay giãn cơ bằng yoga có thể có tác dụng trị liệu với bệnh nhân hội chứng ống cổ tay.
- Cải thiện vận động vùng cổ tay và cẳng tay có thể sẽ giúp ích cho người bệnh.
Giảm sưng nề:
- Bệnh nhân có thể chườm đá ở cổ tay khoảng 10 đến 15 phút, một đến hai tiếng đồng hồ một lần.
- Các thuốc kháng viêm không steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs, NSAIDS) có tác dụng giảm đau và giảm sưng nề, tuy nhiên bệnh nhân cần cẩn trọng khi sử dụng.
Cân bằng hệ cơ:
- Nắn chỉnh xương khớp cột sống và khớp các chi có thể giúp giảm đau cổ tay, phục hồi vận động của khớp, và tăng cân bằng hệ cơ.
- Massage hoặc vật lý trị liệu cũng có thể giúp khắc phục các điểm gây đau.
Giữ cổ tay ở tư thế trung tính: Bệnh nhân có thể duy trì cổ tay ở tư thế thẳng nhờ đeo nẹp cổ tay khi ngủ vào ban đêm.
Tăng cường chống viêm: Nếu thầy thuốc đồng ý, bệnh nhân có thể thử dùng các chế độ ăn giảm viêm, cũng như các vitamin B6 và B12 bổ sung.
Tiêm steroid:
Tiêm cortisone, một dung dịch steroid tổng hợp, vào vùng ống cổ tay có thể giúp giảm đáp ứng viêm tại ống cổ tay, từ đó giảm đau và giảm sưng nề. Một số bệnh nhân sẽ biểu hiện giảm đau sớm sau khi tiêm, một số khác giảm đau muộn, có những bệnh nhân lại không hề thuyên giảm. Thầy thuốc sẽ tư vấn về các khuyến cáo và các nguy cơ biến chứng tiềm ẩn của các phương pháp tiêm này.
2. Điều trị phẫu thuật hội chứng ống cổ tay
- Hội chứng ống cổ tay có thể kéo dài vô cùng dai dẳng ở một số người bệnh. Kể cả khi những bệnh nhân này đã tuân thủ tốt các phương pháp điều trị bảo tồn, các triệu chứng vẫn tiếp tục tăng nặng và càng gây thêm khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt. Nếu thầy thuốc quan ngại có tổn thương thần kinh, có yếu cơ hay teo cơ, các chỉ định được đưa ra sẽ triệt để hơn để ngăn chặn tổn thương diễn biến.
- Phẫu thuật cắt và giải phóng dây chằng có thể được lựa chọn nếu các phương pháp chẩn đoán xác định rằng dây thần kinh giữa đang bị chèn ép, hoặc bệnh nhân có đau, tê bì, yếu cơ kéo dài. Sau khi phẫu thuật, dây chằng sẽ liền lại, nhưng sẽ tạo không gian rộng rãi hơn để dây thần kinh chạy qua.
Quy trình phẫu thuật
- Phẫu thuật giải phóng ống cổ tay có thể thực hiện theo kỹ thuật mổ mở hoặc mổ nội soi. Hai phương pháp này đều có thể tiến hành ở phòng khám ngoại trú, đường rạch rất nhỏ, và chỉ thực hiện trong mười phút.
- Hai thủ thuật này đều sẽ cắt dây chằng cổ tay để giảm áp lực lên dây thần kinh giữa. Thời gian phục hồi của từng bệnh nhân là khác nhau, phụ thuộc vào kích thước đường rạch và thể trạng bệnh nhân.
2.1 Đối với phương pháp mổ mở, bệnh nhân lưu ý:
- Bệnh nhân không được ăn hay uống từ buổi đêm trước khi làm thủ thuật.
- Thủ thuật không gây mê, bệnh nhân sẽ tỉnh táo suốt toàn bộ thời gian làm thủ thuật.
- Một số trung tâm có thể kê thuốc an thần để bệnh nhân thư giãn và giảm lo âu.
- Thuốc tê tại chỗ hoặc tê thần kinh sẽ được sử dụng để vô cảm cho bàn tay trước khi rạch da.
Các bước phẫu thuật
Bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện rạch da với đường rạch dài khoảng 2-5 cm, từ nền cổ tay đến giữa lòng bàn tay. Sau đó sẽ tiến hành mở ống cổ tay. Cụ thể, phần da hai bên đường rạch sẽ được vén sang hai bên để bộc lộ dây chằng cổ tay. Phẫu thuật viên sẽ tách riêng mặt dưới của dây chằng để bảo vệ các dây thân kinh và dây chằng bên dưới. Sau đó, phẫu thuật viên rạch dây chằng để mở ống cổ tay và giải phóng thần kinh giữa. Bước tiếp theo, phẫu thuật viên sẽ đóng đường rạch.
2.2 Đối với phương pháp mổ nội soi để giải phóng ống cổ tay
Mổ nội soi bắt đầu với hai đường rạch nhỏ ở cổ tay và lòng bàn tay, sau đó phẫu thuật viên sẽ đưa một camera nhỏ vào thông qua ống nội soi. Thông qua quan sát ống cổ tay nhờ dụng cụ nội soi, phẫu thuật viên sẽ cắt dây chằng từ phía dưới để giải ép dây thần kinh giữa. Mổ nội soi cũng có thể chuyển thành mổ mở nếu trong cuộc mổ, các phẫu thuật viên thấy cần thiết.
3. Diễn biến sau phẫu thuật hội chứng ống cổ tay
- Bệnh nhân sẽ được giảm đau sau phẫu thuật bằng thuốc giảm đau đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Kê cao tay bên mổ và chườm đá vùng băng tay sẽ giúp giảm sưng nề và giảm chảy máu.
- Lúc này bệnh nhân sẽ được theo dõi trong một thời gian ngắn. Khi các thầy thuốc thấy tình trạng bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân có thể rời trung tâm phẫu thuật. Nên đảm bảo có người đón bệnh nhân về tận đến nhà. Một số người bệnh có thể phải ở lại đơn vị lâu hơn nếu biểu hiện các biến chứng.
- Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhẹ, hơi khó chịu, hay sưng nề vết mổ. Các thầy thuốc có thể đề xuất chườm đá, kê cao tay, sử dụng các thuốc không kê đơn, hoặc đeo nẹp cổ tay khi ngủ hoặc khi thực hiện các hoạt động khác nhau; đồng thời đưa ra giới hạn cân nặng của vật mà bệnh nhân được phép mang vác.
- Bệnh nhân sẽ được hẹn đến cắt chỉ sau khoảng bảy đến mười ngày làm thủ thuật. Sau khi mổ, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn tự chăm sóc tại nhà của thầy thuốc trong vòng hai tuần hoặc cho đến khi tái khám và thầy thuốc có chỉ định.
3.1 Các việc bệnh nhân phải hạn chế:
- Nâng bên tay vừa mổ cao hơn tim trong 48 giờ.
- Chống bàn tay bên mổ (ví dụ không tì tay bên mổ xuống ghế khi đứng lên). Không dùng tay bên mổ nâng những vật nặng trên 2 kg trong vòng một tháng sau khi làm thủ thuật.
- Làm việc nặng: làm vườn, làm việc nhà, thậm chí quan hệ tình dục.
- Sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn. Các thức uống này gây loãng máu và làm tăng nguy cơ chảy máu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không được trộn thuốc giảm đau với đồ uống có cồn.
- Bệnh nhân có thể lái xe khoảng hai ngày sau khi mổ nếu tình trạng đau và sưng nề bên tay mổ đã được kiểm soát.
3.2 Chăm sóc vết mổ:
- Bệnh nhân có thể tắm sau mổ một ngày. Cần giữ nguyên vị trí băng gạc, bọc nylon quanh phần gạc để tránh thấm nước khi tắm.
- Gạc che vết mổ có thể tháo khoảng hai đến ba ngày sau phẫu thuật. Khi đã bỏ gạc, cần rửa vết thương thật nhẹ nhàng bằng xà phòng và nước, sau đó lấy khăn chấm cho khô. Bệnh nhân cần tự theo dõi và rửa vết mổ hàng ngày.
- Nếu vết mổ chảy dịch, cần băng lại bằng gạc khô. Liên hệ với phòng khám nếu dịch chảy nhiều, bệnh nhân phải thay băng từ hai lần trở lên trong ngày.
- Không ngâm vết mổ xuống bồn khi tắm bồn hoặc bể bơi.
- Không thoa kem dưỡng, dầu dưỡng lên vết mổ.
- Sau khi tắm phải mặc quần áo sạch. Khi ngủ phải nằm giường nệm sạch. Không ngủ chung với vật nuôi cho đến khi vết mổ liền.
- Chỉ khâu, băng ghim hay miếng dán vết mổ sẽ được tháo khi bệnh nhân đi khám.
3.3 Hoạt động:
- Chườm đá trên vết mổ khoảng 3-4 lần mỗi ngày, mỗi lần 15-20 phút giúp giảm đau và giảm sưng nề.
- Không cử động cổ tay lặp đi lặp lại (như gõ máy tính, bấm điện thoại, sử dụng tua-vít hay búa) trong vòng một tháng.
- Nếu bệnh nhân được yêu cầu dùng nẹp cổ tay, nên đeo thường xuyên hết mức có thể, kể cả khi ngủ. Chỉ tháo nẹp khi tắm hoặc khi chườm đá vết mổ.
3.4 Cần liên hệ với bác sĩ khi:
Sốt trên 38.5° (uống thuốc hạ sốt bình thường không đỡ) hoặc thấy chảy dịch bất thường. Vết mổ có thể chảy ít dịch là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên chảy nhiều dịch, dịch có mùi hôi tanh, hay dịch màu vàng đục, màu xanh là các dấu hiệu cần báo cáo ngay cho thầy thuốc.
3.5 Quá trình hồi phục
Nếu bệnh nhân phải mổ bên tay thuận, thời gian nghỉ ngơi thường phải kéo dài từ sáu đến mười hai tuần trước khi quay trở lại sinh hoạt bình thường. Nếu không phải phẫu thuật bên tay thuận, chỉ cần hạn chế vận động khoảng một đến hai ngày. Tốt nhất, bệnh nhân nên hỏi trực tiếp thầy thuốc về việc khi nào có thể tiếp tục làm việc và sinh hoạt.
3.6 Các nguy cơ
Không có cuộc phẫu thuật nào không có nguy cơ. Các nguy cơ chung trong mọi cuộc mổ bao gồm chảy máu, nhiễm khuẩn, huyết khối, và biến chứng do gây mê. Các biến chứng cụ thể trong mổ hội chứng ống cổ tay bao gồm tổn thương thần kinh và hình thành mô sẹo.
3.7 Kết quả phẫu thuật
Trong quá trình lành thương tổn, dây chằng ngang cổ tay sẽ dần mọc liền lại nhưng sẽ tạo không gian rộng hơn để dây thần kinh chạy qua so với trước đây. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy hơi sưng đau ở vùng mô sẹo.
Hầu hết các bệnh nhân đều đáp ứng với điều trị tốt và có thể quay trở lại công việc cũ. Tuy nhiên, nếu đã có tổn thương thần kinh từ trước khi phẫu thuật, khả năng phục hồi chức năng bàn tay hoàn toàn đến mức "bình thường" có thể không trở thành hiện thực. Khoảng 10-30% các bệnh nhân sẽ giảm cơ lực cổ tay. Tình trạng tê bì, giảm lực nắm bàn tay, hay đau còn sót lại có thể khắc phục bằng vật lý trị liệu. Những bệnh nhân đái tháo đường thường có tỷ lệ các triệu chứng sót lại cao hơn.
Tỷ lệ tái phát của hội chứng ống cổ tay rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu khiến các bệnh nhân phải mổ lại là do cắt không hoàn toàn dây chằng trong lần mổ đầu tiên hoặc do hình thành mô sẹo.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()