Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:29 (GMT +7)
Cách kiểm tra tương đối độ chính xác của công tơ điện
Thứ 5, 02/10/2014 | 09:02:44 [GMT +7] A A
Công tơ điện (còn gọi là đồng hồ điện) là chiếc cân định lượng điện năng được dùng làm cơ sở cho việc thanh toán giữa bên mua điện và bên bán điện theo các điều khoản đã được quy định trong hợp đồng mua bán điện. Để giúp cho việc phán đoán của các tổ chức, cá nhân về tính chính xác của công tơ điện mà mình đang sử dụng trước khi mang công tơ điện lên cơ quan chức năng để kiểm tra lại, chúng tôi xin giới thiệu cách kiểm tra tương đối độ chính xác của đồng hồ điện mà bạn đang sử dụng, đồng thời cũng giúp phát hiện những sự thất thoát điện từ một số nguyên nhân khác.
Ảnh minh hoạ |
Bước 1: Bạn tắt tất cả các thiết bị điện, tắt luôn aptomat hay cầu chì ngay tại đồng hồ (trường hợp không lắp aptomat hoặc cầu chì ngay tại đồng hồ thì bạn tháo 2 đường điện đầu ra dẫn vào nhà mình ra khỏi công tơ). Trường hợp đồng hồ hầu như không quay hoặc khoảng 5-10 phút mới quay được 1 vòng là được. Nếu đồng hồ quay với tốc độ nào đó thì bạn cũng tính được mỗi tháng bạn mất bao nhiêu vì đồng hồ tự chạy rồi. Nếu số lượng ít thì cũng nên bỏ qua vì nguyên tắc đồng hồ nào cũng sẽ nhúc nhích đôi chút nếu ta không dùng thiết bị điện gì cả.
Bước 2: Bạn đóng aptomat hay cầu chì ngay tại đồng hồ (trường hợp không lắp aptomat hoặc cầu chì ngay tại đồng hồ thì bạn lắp 2 đường điện đầu ra của công tơ vào) nhưng vẫn tắt tất cả thiết bị sử dụng điện trong nhà (đối với các thiết bị điện có chế độ tắt bằng điều khiển thì ta phải rút phích điện của thiết bị ra khỏi ổ điện).
Sau đó bạn quan sát đồng hồ:
+ Nếu đồng hồ không quay thì hệ thống điện của bạn tốt, không có hiện tượng rò điện (để loại trừ trường hợp rò điện do đường dây dẫn từ ngoài cột vào nhà hoặc từ các bảng điện bị rò điện ra tường nhà...).
+ Nếu đồng hồ có quay thì bạn nên đếm thử trong một số phút đồng hồ quay bao nhiêu vòng, ghi lại số thứ nhất (s1). Từ s1 này bạn tính ra được 1 ngày, 1 tháng hệ thống điện của bạn bị rò bao nhiêu. Nếu số lượng đáng kể thì bạn phải tìm ra chỗ rò mà khắc phục nó để tiết kiệm điện và để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện. Đồng thời bạn cần tính 1 giờ đồng hồ quay được bao nhiêu vòng và ghi lại số thứ hai (s2).
Bước 3: Bạn sử dụng một bóng đèn tròn 100W và cắm vào cho nó sáng và sau đó đếm số vòng quay. Bạn sẽ đếm số vòng quay này trong vòng 1 giờ. Số vòng trong vòng 1 giờ thì bạn ghi lại số thứ ba (s3). Bạn có thể theo dõi trong thời gian ngắn hơn sau đó để tính quy về số vòng quay trong thời gian là 1 giờ. (Ví dụ: Nếu bạn theo dõi trong vòng 15 phút, thì để tính thành 1 giờ thì bạn lấy số vòng quay đó nhân với 4).
Bước 4: Bạn nên nhớ là số thứ ba (s3) chính là số vòng tương ứng 0,1kWh điện.
Bạn tính s4 = (s3 - s2) x 10. (số vòng quay đã được quy đổi theo 1kWh). Nếu s4 bằng với số vòng/kWh ghi trên đồng hồ thì đồng hồ chạy đúng. Nếu nhỏ hơn thì đồng hồ chạy chậm. Nếu lớn hơn thì đồng hồ chạy nhanh. Điểm cần lưu ý cuối cùng là phép đo này chỉ mang tính chất tương đối. Vì sai số sẽ là sai số của công suất bóng đèn cộng với sai số của đồng hồ điện. Nhưng nếu kết quả sai lệch từ vài chục phần trăm trở lên bạn có thể yên tâm đề nghị được kiểm tra đồng hồ. Với sai số nhỏ hơn bạn có thể cân nhắc và quyết định. Trong quá trình kiểm tra, bạn có thể dùng tải lớn hơn để kiểm tra như dùng nhiều bóng đèn mắc song song hoặc nồi cơm điện... Bạn không nên dùng bàn là vì bàn là sẽ tắt khi đủ nhiệt. Bạn cũng không nên dùng các tải có cos phi (Cos o) khác 1 như bóng đèn huỳnh quang...
Hoàng Nga (tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()