Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 22:20 (GMT +7)
Cách nào giúp trẻ vượt qua trầm cảm tuổi học đường?
Thứ 7, 09/04/2022 | 08:36:16 [GMT +7] A A
Toạ đàm trực tuyến “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?” do Báo Đại Đoàn Kết vừa tổ chức, Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều trẻ đến viện khi tình trạng đã chuyển nặng như cắt tay, tự tử nhiều lần.
Theo bác sĩ Vân Anh, ở Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia, đa số các ca bệnh đến khám đều đã triệu chứng rõ và bệnh cảnh nặng nề, rất ít người phát hiện sớm để khám sàng lọc. Nhiều ca bệnh đến viện phải cấp cứu về mặt tâm thần như nhịn ăn nhiều tháng, đến viện trong tình trạng suy kiệt, giảm từ 10-20 kg trong vòng vài tháng. Một số trường hợp đến với tình trạng chi chít vết cắt trên tay. Khoa cũng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp sau khi được cấp cứu từ Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai. Đó là những trường hợp đã tìm cách tự tử, được cấp cứu. Một số bệnh nhân khác khi chuyển đến viện đã ở trong trạng thái kích động, la hét, đập phá đồ đạc, làm tổn thương, đánh đập người nhà.
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ theo dõi biểu hiện của con sẽ sớm phát hiện vì các triệu chứng sẽ kéo dài trong khoảng 2 tuần, không phải 1-2 ngày. Trong đó, trẻ sẽ có biểu hiện như: hay cáu gắt, thay đổi cảm xúc thường xuyên, hay khóc… Đặc trưng nhất là thường có những câu nói như mất hi vọng, bi quan về cuộc sống, tương lai.
Trong học tập, trẻ mất tập trung, kết quả học tập giảm sút, cô lập với bạn bè trong trường, lớp, không hào hứng tham gia các hoạt động. Một số em nặng hơn có biểu hiện như: hoang tưởng, ảo giác, có suy nghĩ và hành vi tự sát.
Học sinh chịu nhiều áp lực
Nhà văn Hoàng Anh Tú, anh “Chánh văn” của báo Hoa Học Trò, người từng nhận hàng nghìn bức “tâm thư” của học trò nói rằng, học sinh gặp rất nhiều vấn đề trong khi người lớn nghĩ chỉ cần đi kiếm tiền, nuôi sống là xong. Thậm chí, ra đường gặp vấn đề, về nhà một số cha mẹ trút giận lên con cái. Mong con đạt thành tích, không được cũng gây áp lực lên con. Hay như 1/6 một số cơ quan hay có quy định, gia đình nào con đạt thành tích tốt nộp giấy khen để lĩnh thưởng. Người con không được giấy khen sẽ áp lực, xấu hổ và về gây áp lực lên con. Giáo viên vì thành tích cũng gây áp lực lên học trò.
Theo anh Tú, nhiều năm về trước, Báo Hoa Học Trò có chuyên mục để học sinh làm nơi chia sẻ tâm tư, ngày nay các nhà trường không có kinh phí đặt báo, học sinh không có thói quen đọc báo. Tất cả thông tin đẩy lên mạng xã hội, trong khi nơi này chưa được quản lý chặt chẽ. “Con trai lớn học lớp 10 của tôi vừa khoá tài khoản Facebook, sau đó khoá cả tik tok vì quá nhiều thông tin xấu độc. Tôi cũng là người tham gia mạng xã hội và có lúc hốt hoảng trước những thông tin, bình luận của người lớn. Tôi rất sợ các con sẽ được những điều đó”, nhà văn Hoàng Anh Tú nói.
Chưa kể, cha mẹ Việt rất dễ quên. Khi xảy ra một vụ việc nào đó, ví như có trẻ bị xâm hại thì lập tức chia sẻ rầm rộ, lùng tìm mua sách phòng tránh xâm hại. Khi có chuyện trẻ tự tử, bạo hành cũng vậy. Nhưng chỉ một thời gian sau, khi những câu chuyện đó lắng xuống, cha mẹ lại tiếp tục đặt kỳ vọng lớn lên vai trẻ. Nhà trường cần thành tích bao nhiêu tỉ lệ học sinh giỏi, cha mẹ cần điểm số của con để khoe lên mạng xã hội.
Hướng con có sở thích, ham mê tích cực
GS Nguyễn Lân Dũng nói rằng, trầm cảm học trò là chuyện khá phổ biến. Ông may mắn được học với những thầy cô giáo giỏi, có tâm nên được thừa hưởng nền giáo dục tử tế. Khi con đi học, quan sát đến trường ngoài học tập, nhà trường đổ sân đầy cát cho học sinh được vui chơi ông càng thấm thía hơn khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. “Tôi cho rằng, giáo dục cần xem xét lại để làm sao, thầy cô vừa dạy chữ vừa dạy người. Cuộc đời một học sinh trải qua bao nhiêu lần thi cử nhưng như chúng tôi không thấy đó là áp lực mà vẫn vui. Mỗi lần thi tôi cảm thấy mình trưởng thành lên”, ông nói.
Theo GS, ở nhà, cha mẹ đừng nên tạo áp lực cho con trẻ để các em được phát triển vui tươi đồng thời theo dõi để nhận ra con mình có bị trầm cảm hay không để tìm hướng giúp đỡ. Muốn con cái tử tế trước hết bố mẹ phải làm gương cho con soi chiếu. Mỗi người đều chỉ có 24 giờ trong ngày như nhau, điều quan trọng là đứa trẻ ham mê điều gì. Nếu đứa trẻ ham mê học tập, nghiên cứu sẽ không có thời gian cho mạng xã hội, chơi game nhưng cũng có những đứa trẻ chỉ quan tâm đến game. Do đó, cha mẹ cần định hướng, dẫn dắt con vào hoạt động nào đó để con ham mê thay vì suốt ngày chạy theo cấm đoán. Một đứa trẻ trưởng thành có quyền tự do cá nhân, cha mẹ không thể chạy theo để giám sát con.
“Giáo dục của gia đình phải được quan tâm, trong đó cha mẹ không chỉ chăm chăm hỏi con ăn gì, mặc gì mà quan tâm tới trí tuệ, đạo đức của con. Thầy cô cũng vậy, không phải chỉ dạy chữ mà tấm lòng người thầy thương yêu học sinh, hình thành cho trẻ sự tử tế”, GS Lân Dũng nói.
Cha mẹ không biết cách thể hiện tình yêu?
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói, đại dịch COVID-19 mấy năm qua là cú sốc đối với tất cả mọi người, trong đó có trẻ em. Trong khi, Việt Nam không phải nước phát triển về khoa học nên chưa thể nghĩ tới hậu quả của đại dịch về sau mà chỉ đang chạy theo quá trình tiến triển và kiểm soát dịch bệnh, kéo theo các nhà quản lý xã hội cũng chưa thể lường trước được về giai đoạn hậu COVID-19. Bất cứ một việc gì, sau sự cố nào đó, nếu tái khởi động lại thì phải làm từ từ và có quá trình, lộ trình dần dần, cụ thể để đạt được.
“Tại sao chúng ta không nghĩ, sau 2 năm, học sinh nghỉ ở nhà đã có độ trễ, thì việc quay trở lại trường cũng cần có lộ trình để khởi động lại. Ví dụ, nhà trường quy định 2 tuần đầu học sinh đến chỉ chơi, tương tác, kết nối với nhau, sau đó học lại dần dần. Nếu gây áp lực học tập, thành tích ngay lập tức đối với người mới ốm dậy khác nào bắt họ gánh nặng quá sức”, chuyên gia Đinh Đoàn nói.
Các chuyên gia cũng khẳng định, không phải cha mẹ nào cũng biết cách thể hiện tình yêu với con do đó nhiều đứa trẻ khi bị mắng, bị phạt nghĩ rằng, cha mẹ không yêu mình. Do đó, cách thể hiện tình yêu thương để trẻ thấu hiểu rất quan trọng.
Với câu hỏi, cách nào giúp trẻ vượt qua trầm cảm, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, điều đầu tiên cha mẹ cần xây dựng suy nghĩ tích cực cho các con. Khi cha mẹ có suy nghĩ tích cực thì đứa trẻ nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng hơn.
Thứ 2 giúp con xem trọng giá trị bản thân, giúp con có giá trị trong cuộc sống, giúp con luôn biết tự tin với bản thân mình. Giúp con hiểu về giá trị bản thân cũng là cách giúp con ứng phó với những tồi tệ bên ngoài.
Thứ 3, cha mẹ rất cần có sự kết nối thường xuyên với con cái. Ví dụ, khi đón con tan học về thay vì hỏi con về điểm số có thể hỏi con hôm nay có chuyện gì vui. Vì vậy hãy giữ kết nối với trẻ em lâu nhất. Tôi tin rằng không có một bác sĩ nào tốt bằng cha mẹ, không bác sĩ nào khi biết con hiểu rằng giá trị của mình
Chuyên gia Đinh Đoàn cũng khuyên, cha mẹ cần nuôi dưỡng con bằng tình yêu thương, sự quan tâm. Nếu một đứa trẻ hồn nhiên, vô tư bỗng dưng mặt vô hồn, ánh mắt thiếu sức sống, chúng ta có thể đủ tinh tế để nhận ra chúng đang có gì đó không ổn chứ không cần đến những dấu hiệu lâm sàng. Khi con buồn, bố mẹ quan tâm, hỏi han con sẽ vui lắm thay vì buông những lời trách móc, mắng mỏ kèm theo đó là những câu hỏi về điểm số, thành tích, tạo ra áp lực học tập không hề nhỏ. Đấy không phải giao tiếp mà là tra hỏi. "Theo tôi, đừng bắt trẻ em lớn lên bằng chúng ta mà phải hạ thấp chúng ta bằng trẻ. Người nước ngoài khi nói chuyện với trẻ con thường cúi hoặc ngồi xuống để thủ thỉ, nói chuyện thân mật, yêu thương", ông nói.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()