Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:15 (GMT +7)
Cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm khi thời tiết chuyển mùa
Thứ 2, 13/03/2023 | 14:08:31 [GMT +7] A A
Thời tiết chuyển mùa có sự thay đổi thất thường về nhiệt độ trong ngày và độ ẩm cao là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển các loại virus, vi khuẩn…
Một số bệnh truyền nhiễm thường gặp khi chuyển mùa
Cúm:
Cúm do virus gây ra và thường có bốn loại là virus cúm A, B, C và D, trong đó cúm A, cúm B thường gây bệnh cho người. Nguồn chứa virus cúm bao gồm cả người bệnh và người mang virus cúm nhưng không có triệu chứng, virus cúm chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn hô hấp khi ho và hắt hơi. Sự lây truyền qua không khí và tiếp xúc qua các vật thể trung gian hay bề mặt bị nhiễm virus cũng có thể xảy ra. Một số biến chứng nặng của nhiễm cúm có thể gặp như hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), viêm màng não, viêm não… tình trạng này làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe đã có từ trước như hen và bệnh tim mạch.
Sởi:
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra. Nguồn chứa tác nhân gây bệnh là người đang mắc sởi, kể cả giai đoạn sởi chưa có triệu chứng hay giai đoạn sởi đã thoái lui. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn, giọt nhỏ dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.
Tiêm vaccine sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Ngoài ra, để phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch sởi, cần có kiến thức tự phòng bệnh. Bên cạnh đó, cần tiêm vaccine sởi cho phụ nữ ở độ tuổi mang thai và những người dân trong cộng đồng chưa có kháng thể chống sởi giúp giảm số người mắc, phòng lây nhiễm bệnh sởi...
Sốt xuất huyết:
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, hiện có 4 týp huyết thanh của virus Dengue thường gây bệnh ở người. Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh. Sốt xuất huyết còn làm tăng tính thấm thành mạch làm huyết tương trong máu thoát ra ngoài, gây hiện tượng máu cô, dẫn đến giảm khối lượng máu lưu hành, tụt huyết áp và sốc. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Tiêu chảy cấp do virus đường ruột:
Các virus cư trú trong đường tiêu hoá của người bệnh và được thải ra ngoài qua dịch tiết tiêu hoá, phân. Virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường, sống nhiều giờ trên tay và nhiều ngày trên các bề mặt cứng như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, vật dụng trong gia đình... Người lành mắc bệnh do "ăn" phải virus có trên các bề mặt này thông qua bàn tay, dụng cụ ăn uống …
Ai dễ mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa?
-Trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.
- Người cao tuổi, người có bệnh mãn tính : Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.
Cách phòng bệnh truyền nhiễm khi thời tiết chuyển mùa
Để chủ động phòng tránh bệnh khi thời tiết chuyển mùa, mọi người cần chú ý thực hiện các biện pháp sau:
-
Dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ theo lứa tuổi.
-
Thực phẩm được chế biến phù hợp, vệ sinh.
-
Vệ sinh cá nhân hằng ngày, giữ ấm cơ thể.
-
Kiểm soát các bệnh nền, bệnh mạn tính.
-
Khám bệnh định kỳ, tuân thủ các biện pháp dự phòng, không để bệnh mạn tính bùng phát thành đợt cấp.
-
Đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
-
Tiêm chủng đầy đủ gì các loại vaccine phòng bệnh theo đúng lịch, đặc biệt với trẻ em.
-
Giữ vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ.
-
Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
-
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh đến các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc điều trị.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()