Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 21:49 (GMT +7)
Cách sơ cứu khi gặp người bị tai nạn giao thông
Thứ 2, 25/07/2022 | 16:43:41 [GMT +7] A A
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tỷ lệ nạn nhân sau TNGT được sơ cấp cứu tại chỗ chưa đến 10%. Nguy hiểm hơn, gần một nửa trường hợp này được sơ cứu không đúng kỹ thuật. Việc làm này có thể làm tình trạng bệnh nhân nặng hơn, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng. Do đó, nếu được sơ cứu đúng cách và kịp thời, người gặp tai nạn giao thông (TNGT) có thể thoát khỏi nguy cơ tử vong.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Tuyền, Trưởng Đơn nguyên Cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy, để hỗ trợ nạn nhân bị TNGT, trước hết, người hỗ trợ cấp cứu cần quan sát hiện trường, đánh giá chuyện gì đã xảy ra, tai nạn loại gì, số người gặp nạn, môi trường cấp cứu có an toàn cho việc sơ cấp cứu không? Nếu hiện trường có các yếu tố nguy hiểm như cháy, nổ, điện, nước, chất độc, hóa chất... thì cần di chuyển nạn nhân đến vùng an toàn. Việc quan sát và đánh giá là hết sức quan trọng giúp người hỗ trợ lập phương án và kế hoạch tìm kiếm và xử trí các chấn thương một cách tốt nhất.
Sau đó, cần gọi sự hỗ trợ của người xung quanh, việc làm này đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình sơ cứu, mặt khác đây cũng là người làm chứng trong các vụ TNGT có tính chất nhạy cảm. Đồng thời gọi sự hỗ trợ y tế từ cấp cứu 115 hoặc cấp cứu bệnh viện gần nhất. Người hỗ trợ cấp cứu cần cung cấp đầy đủ các thông tin như số lượng nạn nhân, giới, tuổi tác, tình trạng nạn nhân và các sơ cứu đã thực hiện trên nạn nhân. Cần nghe theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế, không cúp máy trước, luôn để điện thoại ở chế độ chờ cuộc gọi cho đến khi nhân viên y tế có mặt.
Sau khi tiếp cận nạn nhân, người hỗ trợ cần tiến hành đánh giá tình trạng nạn nhân. Đây là bước rất quan trọng trong việc định hướng xử trí người bệnh. Nạn nhân được đánh giá ban đầu ngay các dấu hiệu RABC, gồm: Ý thức (R-Responding ), đường thở (A-Airway ), hô hấp (B-Breathing ), tuần hoàn (C-Circulation ). Tiếp theo nạn nhân được đánh giá toàn thân nhằm phát hiện các tổn thương như gãy xương, tổn thương chảy máu, thần kinh, chấn thương cột sống,chấn thương sọ não, bỏng ….
Chảy máu là chấn thương thường gặp nhất khi bị TNGT. Nguyên nhân là do va đập, bị vật sắc nhọn đâm vào da thịt, đứt mạch máu... dẫn đến máu chảy. Nạn nhân mất nhiều máu dễ choáng, bất tỉnh, tử vong. Trường hợp này cần làm garo cầm máu bằng cách quấn thật chặt ở vị trí trên vết thương 3-5cm. Có thể dùng vải sạch làm garo nếu không có sẵn dụng cụ y tế, kiểm tra độ chặt của garo thường xuyên. Trong trường hợp vết thương có dị vật, không nên rút dị vật ra vì có thể làm máu chảy ra nhiều hơn dẫn đến mất máu. Mọi thao tác phải đòi hỏi nhanh, chính xác và đảm bảo sạch sẽ, tránh vết thương nhiễm trùng. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
Khi TNGT, nạn nhân cũng dễ bị gãy xương. Khi nạn nhân có đau chói tại điểm gãy, sưng nề, biến dạng chi bị gãy. Thậm chí trong gãy xương hở có thể thấy các vết thương tại điểm gãy hoặc đầu xương gãy đâm thủng da ra ngoài cơ thể. Nguyên tắc trong xử trí gãy xương là nẹp cố định các xương bị gãy. Việc nẹp các xương bị gãy đúng cách giúp giảm đau, chống sốc, hạn chế nhiễm trùng hoặc tổn thương thần kinh, mạch máu kèm theo. Với gãy xương hở trước khi nẹp cố định cần biến xương hở thành gãy xương kín bằng cách đắp gạc, băng bó vết thương trước khi nẹp.
Tổn thương cột sống dễ gặp trong TNGT. Trong cột sống có tủy sống là hệ thống dẫn truyền chi phối vận động và cảm giác của cơ thể. Nhận biết nạn nhân bị tổn thương cột sống khi có đau vùng cột sống, tê bì, yếu liệt tay chân thậm chí nhiều trường hợp có thể khó thở suy hô hấp do liệt cơ hô hấp. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp nạn nhân có chấn thương cột sống không được xử trí đúng cách dẫn tới tình trạng liệt hoàn toàn tứ chi, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Với nạn nhân bị tổn thương cột sống cần nẹp cố định các vị trí tổn thương bằng dụng cụ chuyên dụng như nẹp Orbe, đeo đai cột sống và khi di chuyển cần vận chuyển bằng cáng cứng tránh cõng, vác, bế hoặc di chuyển bằng võng.
Chấn thương sọ não trong TNGT có thể nhận thấy khi nạn nhân có rối loạn ý thức từ ngủ gà, lơ mơ cho đến hôn mê sâu kèm theo các tổn thương chảy máu vùng hàm mặt. Biến chứng nguy hiểm trong chấn thương sọ não là tình trạng suy hô hấp do sặc máu, dịch tiết hoặc dịch nôn vào đường thở gây suy hô hấp, tình trạng tăng áp lực nội sọ sau chấn thương. Xử trí nạn nhân chấn thương sọ não cần xác định tình trạng ý thức, nằm nghiêng an toàn, lấy các dị vật trong khoang miệng giúp thông thoáng đường thở và nằm đầu cao 30 độ giúp giảm áp lực sọ não.
Nạn nhân có ngưng tim, ngưng thở sau tai nạn khi có đủ các dấu hiệu: Mất ý thức (tình trạng bất tỉnh không đáp ứng với bất kì kích thích gọi hay cấu véo), ngừng thở, ngưng tim, không bắt được mạch cảnh và mạch bẹn. Khi phát hiện nạn nhân ngừng tuần hoàn cần tiếp hành ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức, hà hơi thổi ngạt cho đến khi có nhịp tim trở lại.
Bác sĩ khuyến cáo, chỉ di chuyển nạn nhân khi nạn nhân đã được sơ cứu ổn định. Nên chờ đợi sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc vận chuyển nạn nhân dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế qua điện thoại hỗ trợ.
Người sơ cứu cho nạn nhân bị TNGT tốt nhất nên sử dụng găng tay và các dụng dịch sát khuẩn có sẵn như nước muối sinh lý, cồn 70 độ, dung dịch sát khuẩn Betadine. Việc đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn trong sơ cấp cứu giúp giảm tỷ lệ nhiễm trùng các vết mổ cũng như tránh lây nhiễm các bệnh lý nguy hiểm cho người sơ cấp cứu.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()