Caffeine trong cà phê có thể làm tăng nhu động ruột. Người gặp vấn đề tiêu hóa như rò rỉ ruột hoặc hội chứng ruột kích thích có thể nhận thấy triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Cà phê, nhất là loại chứa caffeine, kích thích sản xuất gastrin, loại hormone điều chỉnh bài tiết axit dạ dày cùng với nhu động đường tiêu hóa. Gastrin thúc đẩy các cơ trong đường tiêu hóa co bóp mạnh hơn, tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua hệ thống tiêu hóa.
Caffeine kích thích giải phóng catecholamine như adrenaline và noradrenaline. Đây là những chất dẫn truyền thần kinh thúc đẩy tăng cường co bóp đại tràng. Những cơn co thắt gia tăng này thúc đẩy thức ăn từ đại tràng về phía trực tràng nhanh hơn, dẫn đến tăng nhu cầu đại tiện.
Cà phê chứa các hợp chất kích hoạt sản xuất cholecystokinin (CCK), một loại hormone báo hiệu túi mật giải phóng mật vào ruột non. Mật được giải phóng nhiều hơn có thể tăng tốc độ tiêu hóa và vận chuyển thức ăn qua ruột nhanh hơn, dẫn đến tăng nhu động ruột.
Một số cách dưới đây có thể giảm các tác dụng phụ liên quan đến tiêu hóa của cà phê.
Dùng loại không chứa caffeine: Caffeine là yếu tố chính trong cà phê có tác dụng nhuận tràng, nên chuyển sang loại không chứa caffeine giúp giảm tác động của nó lên nhu động ruột. Một số loại cà phê decaf đã khử tới 90% caffeine là lựa chọn phù hợp hơn.
Hạn chế lượng dùng: Điều chỉnh lượng cà phê tiêu thụ trong một lần uống cũng giảm tác dụng nhuận tràng. Trong đó, giảm dần lượng tiêu thụ hoặc hạn chế dùng trong ngày có thể có lợi.
Dùng cà phê cùng bữa ăn: Uống cà phê trong bữa ăn chính hoặc bữa nhẹ giúp giảm tác dụng kích thích của nó với nhu động ruột. Thức ăn trong dạ dày làm chậm quá trình hấp thụ caffeine, ít gây ra các tác dụng phụ khó chịu trong đường tiêu hóa.
Uống cà phê ủ lạnh hoặc loại có hàm lượng axit thấp: Chúng có tác dụng nhẹ hơn với dạ dày và ít kích ứng hoặc kích thích sản xuất axit dạ dày quá mức so với cà phê pha thông thường.
Tránh uống khi bụng đói: Uống cà phê khi bụng đói không có hại nhưng làm tăng tác dụng của cà phê nhiều hơn. Uống một tách sau bữa ăn nhẹ để không gặp các triệu chứng khó chịu này.
Chọn đồ uống thay thế: Các loại đồ uống như trà thảo dược hoặc các sản phẩm thay thế không chứa caffeine vừa mang lại hương vị mà ít có khả năng kích thích nhu động ruột.
Người có nguy cơ rối loạn tiêu hóa nên tránh dùng caffeine. Tình trạng trào ngược axit, viêm dạ dày hoặc loét dạ dày gây ra các triệu chứng khó chịu hơn do tính axit của cà phê cũng như quá trình kích thích sản xuất axit dạ dày. Uống cà phê muộn, nhất là vào buổi chiều hoặc tối, khiến giấc ngủ gián đoạn và trầm trọng thêm chứng mất ngủ.
Ý kiến ()