Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 16:13 (GMT +7)
Cải thiện điều kiện đi lại cho thợ lò
Thứ 6, 19/05/2023 | 13:11:31 [GMT +7] A A
Để tiếp tục thu hút và giữ chân thợ lò, các đơn vị ngành Than đã thường xuyên đầu tư phương tiện, thiết bị vận tải người từ mặt bằng công nghiệp xuống đến các vị trí sản xuất trong lò. Nhờ được hỗ trợ việc đi lại, người thợ được đảm bảo sức khỏe, tăng được thời gian hữu ích trong ca sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng than cho đơn vị.
Hiện nay, ở cả hai khu vực khai thác là Giếng Cánh Gà và Giếng Vàng Danh, Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin đã thực hiện việc chuyên chở lao động xuống hầm lò bằng các phương tiện vận tải chuyên dụng như: Tời cáp treo, song loan. Các phương tiện này giúp người lao động tiết kiệm được thời gian, đặc biệt là giảm được sức người trong quá trình di chuyển từ cửa lò vào các vị trí sản xuất.
Đơn cử như với toa xe song loan, Than Vàng Danh đang sử dụng loại song loan có sức vận chuyển cùng lúc 18 người/chuyến. Trong xe bố trí 6 hàng ghế, mỗi ghế có 3 chỗ ngồi, cửa được thiết kế hai bên để tiện cho việc lên, xuống xe của công nhân. Với phương tiện này, người lao động sẽ được vận chuyển từ vị trí cửa lò xuống tận nơi làm việc. Thời gian đi bộ được đảm bảo rút ngắn chỉ dưới 300m tùy từng vị trí.
"Thay vì đi bộ hàng cây số và mất hàng tiếng đồng hồ để đến nơi làm việc như trước kia, giờ đây, thợ lò chúng tôi chỉ mất tối đa 20 phút cho việc di chuyển vào nơi sản xuất. Thời gian và công sức hao phí trước đây dùng cho việc đi lại, giờ chúng tôi dành để nghỉ ngơi, thư giãn và tập trung nâng cao năng suất lao động" - thợ lò Lê Văn Hợp, Phân xưởng K1, Công ty CP Than Vàng Danh chia sẻ.
Than Vàng Danh hiện có trên 4.000 công nhân lao động, thợ lò đang làm việc tại hai khu vực sản xuất chính là Giếng Cánh Gà và Giếng Vàng Danh. Diện sản xuất ngày càng xuống sâu, đi xa, bộc lộ nhiều khó khăn trong sản xuất. Để đảm bảo nhiệm vụ khai thác trên 3,5 triệu tấn than nguyên khai/năm, Than Vàng Danh xác định sẽ cần đầu tư hơn nữa cho công tác vận tải, đặc biệt là vận tải người từ ngoài mặt bằng vào vị trí sản xuất dưới lò.
Theo ông Trịnh Viết Bảo, Phó Trưởng Phòng Cơ điện - Vận tải, thời gian tới, Công ty sẽ tiến hành lắp đặt, đưa vào sử dụng 2 hệ thống tời cáp treo chở người mức trung gian từ mức +0 xuống mức -70 khu I, từ mức -10 xuống -70 khu II; lập và triển khai dự án nâng cao năng lực chở người qua giếng Vàng Danh để giảm số chuyến vận hành, giảm thời gian chờ đợi của công nhân tại các cửa giếng, từ đó rút ngắn thời gian đi lại cho người lao động và góp phần tăng năng suất, sản lượng than khai thác cho đơn vị.
Còn tại Công ty Than Nam Mẫu - TKV, hiện nay, công tác vận tải từ mức +125 vào trong lò được đơn vị thực hiện theo 3 hướng chính, gồm: Lò xuyên vỉa mức +125, giếng nghiêng chính và giếng nghiêng phụ. Đối với công tác vận tải người, Công ty Than Nam Mẫu đang duy trì 2 hình thức là tàu điện - toa xe chở người và tời cáp treo. Trong đó, năng suất vận tải lớn nhất của tời cáp treo chở người là 360 người. Hệ thống tời cáp treo này được công ty đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016 và đến nay vẫn phát huy được hiệu quả.
Việc lắp đặt và ứng dụng hệ thống vận chuyển người bằng tời cáp treo xuất phát từ nhu cầu thực tiễn bởi khi dự án khai thác phần lò giếng Than Nam Mẫu đi vào hoạt động, thường xuyên có 450 lượt người làm việc trong ca sản xuất và đến giai đoạn khai thác hoàn toàn ở mức -50 sẽ có từ 600-650 người/ca làm việc.
Khi khai thác xuống sâu, công tác vận tải người lao động đến vị trí làm việc luôn là bài toán khó với các mỏ hầm lò. Làm sao để người công nhân không bị mất sức lao động khi đầu ca di chuyển đến những vị trí khai thác hay khi tan ca di chuyển lên mặt đất được nhẹ nhàng luôn là trăn trở và mục tiêu của các mỏ. Vì vậy, trong những năm qua, TKV đã quan tâm đặc biệt và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác vận tải người, cải thiện đến mức tốt nhất điều kiện đi lại cho thợ lò.
Riêng công tác vận tải người, đến nay, toàn Tập đoàn đã có 150 hệ thống vận tải người các loại, gồm: Hệ thống thùng cũi ở giếng đứng; hệ thống trục tải một đầu mút kết hợp toa xe chở người ở giếng nghiêng; hệ thống tời cáp vô tận; hệ thống monoray có đầu kéo chạy diezel và điện; hệ thống cáp treo vô tận chở người và hệ thống tời hỗ trợ người đi bộ...
Có thể khẳng định, công tác vận tải trong lò, đặc biệt là vận tải người của TKV đã có nhiều đột phá so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn vẫn chỉ đạo các đơn vị hầm lò cần phải tăng cường áp dụng công nghệ vận tải phù hợp với từng đơn vị, không để người lao động đi bộ đến nơi làm việc trên 500m hay mang vác vật tư, thiết bị trên 30m. Đây cũng là một trong những giải pháp giữ chân thợ lò hiệu quả trong bối cảnh tuyển dụng nhân lực hầm lò còn nhiều khó khăn.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()