Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:19 (GMT +7)
Cải thiện sức khỏe đường ruột bằng một số cách tự nhiên không dùng thuốc
Thứ 7, 29/07/2023 | 17:23:19 [GMT +7] A A
Khoảng 70% hệ thống miễn dịch của con người nằm trong ruột. Do đó, đảm bảo hệ thống tiêu hóa hoạt động bình thường là một phần thiết yếu trong việc điều chỉnh sức khỏe tổng thể của mỗi người.
Ruột là một trong số những cơ quan làm việc tích cực của cơ thể, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn con người ăn vào, hấp thụ chất dinh dưỡng, sử dụng nó để tạo năng lượng và duy trì các chức năng của cơ thể.
Không chỉ vậy, ruột còn giúp giữ cho khả năng miễn dịch của chúng ta cân bằng.
1. Những dấu hiệu phổ biến của đường ruột không khỏe mạnh
Các dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh không chỉ giới hạn ở các triệu chứng tiêu hóa mà còn bao gồm các tác động đối với sức khỏe tổng thể. Một số dấu hiệu dưới đây cảnh báo về tình trạng sức khỏe đường ruột yếu:
- Đau dạ dày, ợ hơi, ợ chua, đầy hơi, chướng bụng, rối loạn đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón).
- Thay đổi cân nặng khó kiểm soát.
- Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, ít ngủ.
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Rối loạn tâm lý: dễ kích thích hoặc thường rầu rĩ, thay đổi tâm trạng nhanh.
2. Không dung nạp thực phẩm có phải là vấn đề về đường ruột không?
Một số người có thể cảm thấy khó tiêu hóa một số loại thực phẩm và thường có biểu hiện phản ứng khó chịu như đầy bụng, tiêu chảy... Không dung nạp thực phẩm có thể gây ra một số dấu hiệu và triệu chứng giống như dị ứng thực phẩm, đây là lý do khiến nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai loại này.
Cần phân biệt không dung nạp thực phẩm khác với dị ứng thực phẩm. Không dung nạp thực phẩm có liên quan đến hệ thống tiêu hóa trong khi dị ứng thực phẩm liên quan đến hệ thống miễn dịch. Thực phẩm gây dị ứng có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng hơn so với chứng không dung nạp thực phẩm, bao gồm các vấn đề về tiêu hóa, phát ban hoặc sưng đường hô hấp.
Dị ứng thực phẩm thực sự ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, thậm chí chỉ một lượng nhỏ thực phẩm dị ứng cũng có thể gây ra một loạt các triệu chứng, có thể nghiêm trọng hoặc đe dọa đến tính mạng. Trong khi đó không dung nạp thức ăn thường chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Hiện nay có thể thực hiện xét nghiệm đánh giá khả năng dung nạp thực phẩm.
3. Các biện pháp tự nhiên cải thiện sức khỏe đường ruột
Để cải thiện sức khỏe đường ruột và sức khỏe tổng thể, mọi người nên thường xuyên bổ sung những thực phẩm chứa lợi khuẩn và prebiotic, đặc biệt là thực phẩm lên men và thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây.
Ăn thực phẩm lên men thường xuyên
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ thực phẩm lên men như sữa chua, sữa chua Hy Lạp nguyên chất không béo, kim chi, kombucha, kefir... thường xuyên có hệ vi sinh vật đường ruột đa dạng và khỏe mạnh.
Ruột chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn thân thiện giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt. Bất cứ thứ gì duy trì hệ thực vật đường ruột đều là liều thuốc bổ cho sức khỏe đường ruột. Theo một số nghiên cứu, thực phẩm lên men có thể tạo cơ hội cho các khuẩn lạc (cụm) nhỏ của vi khuẩn hiện có phát triển và sinh sôi.
Ăn ít đường và chất ngọt
Ăn nhiều thực phẩm có đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Nên chọn chất làm ngọt tự nhiên như cỏ ngọt, quả sung, chà là... để thay thế đường.
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy những chất làm ngọt nhân tạo như sucralose, aspartame có thể gây rối loạn vi khuẩn đường ruột tốt và phá hủy sự đa dạng của hệ vi sinh vật theo cách có thể cản trở cơ chế tự nhiên của hệ tiêu hóa.
Tập thói quen ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc
Thói quen ngủ không đều và giấc ngủ bị xáo trộn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho hệ vi khuẩn đường ruột. Điều này có thể làm tăng nguy cơ khó tiêu và viêm ruột. Một lịch trình ngủ đầy đủ và lành mạnh giúp giữ cho đường ruột hoạt động tốt hơn. Vì vậy, người trưởng thành hãy đặt mục tiêu trung bình ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày.
Bỏ hút thuốc hoàn toàn
Hút thuốc lá không có lợi ích gì. Theo một số nghiên cứu đã được công bố, chất độc trong khói thuốc lá làm rối loạn sự cân bằng nghiêm trọng của hệ vi sinh vật đường ruột thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Không chỉ ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể như: phổi, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày... mà chất độc hại trong thuốc lá còn làm tăng vi khuẩn đường ruột có hại và làm giảm mức độ của những vi khuẩn có lợi, điều này làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột.
Ăn chậm
Nhai kỹ thức ăn, không nên ăn uống quá nhanh vì nhai kỹ giúp đảm bảo tiêu hóa tốt hơn, nhanh chóng và hấp thụ tối ưu các chất dinh dưỡng. Một quá trình tiêu hóa lành mạnh giúp giảm bớt sự khó chịu ở ruột.
Bổ sung men vi sinh và prebiotic
Probiotics (men vi sinh) là hỗn hợp các vi khuẩn sống trong đường ruột khỏe mạnh, được gọi là những "vi khuẩn tốt bụng" giúp cơ thể bảo vệ chống lại một số các vi khuẩn có hại, nấm và siêu vi. Thường xuyên bổ sung qua chế độ ăn uống hằng ngày với số lượng đầy đủ sẽ tạo ra những ảnh hưởng có lợi lên sức khỏe tổng thể, đặc biệt là hệ tiêu hoá. Chúng hiện diện trong sữa chua, sữa, pho mai, dưa chua, kim chi…
Prebiotics là loại chất xơ không được tiêu hóa trong ruột non mà di chuyển đến ruột kết và lên men ở đó để cung cấp "thức ăn" cho men vi sinh có lợi cho đường ruột. Một số thực phẩm chứa prebiotics như các loại đậu, đậu Hà Lan, yến mạch, chuối, các loại quả mọng, măng tây, tỏi, hành tây...
Ngoài lợi ích là thức ăn cho lợi khuẩn tốt cho sức khỏe đường ruột, prebiotics trong thực phẩm giàu chất xơ còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp no lâu hơn, ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến, giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch… Cách dễ nhất để có đủ prebiotics vào chế độ ăn uống là ăn nhiều rau và trái cây. Đặt mục tiêu bao gồm nhiều rau lá xanh hơn trong chế độ ăn hàng ngày và cắt giảm dần đồ ăn vặt.
Cùng với những lời khuyên đã nói ở trên, một số tư thế yoga và hoạt động thể chất có thể giúp bạn duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Hãy tăng cường vận động và tập thể dục phù hợp.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()