Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 15:36 (GMT +7)
Cấm đốt hàng mã nơi công cộng
Thứ 4, 01/09/2010 | 07:22:14 [GMT +7] A A
Kể từ hôm nay 1-9, Nghị định 75/2010 NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hoá sẽ có hiệu lực. Một trong các nội dung đáng chú ý của Nghị định đó là đốt hàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá và nơi công cộng khác sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm về quản lý công tác lễ hội của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, đốt hàng mã được nêu ra như là vấn nạn xã hội, gây lãng phí lớn. “Đốt hàng mã không hề mang tính tâm linh, đó là hành vi mê tín cần bài trừ. Dù không thể chấm dứt ngay, nhưng nhất quyết phải làm” - ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VH-TT&DL khẳng định. Theo thượng toạ Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc đốt hàng mã không có trong giáo lý nhà Phật. Đây chỉ là thói quen hình thành lâu nay trong xã hội. Muốn loại trừ hình thức này cần có nhiều biện pháp. Vận động là chính, nhưng cũng cần phải có biện pháp hành chính. Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá, GS.TS Nguyễn Xuân Kính cũng tán thành việc cấm đốt hàng mã nơi công cộng, vì đốt hàng mã gây ô nhiễm, dễ gây cháy.
Quảng Ninh là một tỉnh có hàng trăm di tích đình, chùa, đền, miếu. Tại những nơi này vào các ngày rằm, lễ tết (thậm chí ngày thường), thường xuyên diễn ra việc đốt hàng mã. Nhất là tại những di tích thu hút khách như Yên Tử, đền Cửa Ông… vào mùa lễ hội, những “lò” hoá hàng mã luôn rực lửa như bễ lò rèn. Cùng với tập tục đốt hàng mã tại các đình, chùa, tục rải vàng mã theo xe tang tại các đô thị như TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí cũng diễn ra từ lâu. Hành vi này không chỉ làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến an toàn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (do bị giấy vàng mã bay vào mặt). TP Hồ Chí Minh đã coi hành vi rải vàng mã trên phố khi đưa tang là 1 trong 6 hành vi không văn hoá, cần phải hạn chế dần và tiến tới xoá bỏ. Chưa có thống kê về sự lãng phí từ việc đốt hàng mã nơi công cộng ở Quảng Ninh, nhưng hẳn con số ấy là rất lớn. Để so sánh xin được dẫn ví dụ tại chùa Liên Hoa (quận 11, TP Hồ Chí Minh), qua 12 năm (1998-2010) vận động phật tử không mua vàng mã mà dành tiền để làm từ thiện, số tiền từ thiện mà nhà chùa này đã thu được là gần 6 tỷ đồng.
Đốt hàng mã là một tập tục tín ngưỡng có từ lâu đời ở Việt Nam. Đã là tập tục tín ngưỡng thì không dễ để người dân từ bỏ ngay nhưng giống như việc Nhà nước cấm đốt pháo và bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trước đây, việc cấm đốt hàng mã nơi công cộng không phải không thể làm được. Nhiều ý kiến cho rằng trước khi áp dụng các quy định pháp luật để xử phạt, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tự giác từ bỏ tục đốt hàng mã nơi công cộng và rải vàng mã khi đưa tang.
Tin rằng vì lợi ích của toàn xã hội, chủ trương cấm đốt hàng mã nơi công cộng của Chính phủ sẽ được mọi người dân chấp hành, thực hiện tốt.
Liên kết website
Ý kiến ()