Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:48 (GMT +7)
Cần có cơ chế tài chính-tiền tệ riêng cho đặc khu kinh tế
Thứ 6, 21/03/2014 | 14:14:24 [GMT +7] A A
Với chủ đề: “Cơ chế tài chính-tiền tệ”, theo hình thức thảo luận mở các diễn giả, các nhà khoa học tham gia Hội thảo Khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế- Kinh nghiệm và cơ hội đã trao đổi khá thẳng thắn về vấn đề này.
Theo GS Lý Quốc Hoa, Viện Kinh tế-Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) từ khi mới thành lập, ĐKKT Thâm Quyến đã ý thức đuợc tầm quan trọng của ngành dịch vụ tài chính, vì ngay từ ban đầu thành lập Đặc khu, điều gây nhiều tranh cãi nhất chính là không có kinh phí xây dựng. Và trên quan điểm huy động vốn và ủy thác đầu tư nhằm đáp ứng sự phát triển của đặc khu, ĐKKT Thâm Quyến đã thành lập nhanh chóng một số lượng lớn các tổ chức tài chính, các tổ chức này có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của ĐKTT và trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của đặc khu kinh tế. Và cùng với sự phát triển của ĐKKT Thâm Quyến, ngành dịch vụ tài chính cũng phát triển mở rộng, mạnh mẽ, Thâm Quyến xếp hạng thứ 15 trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì phiên thảo luận về cơ chế tài chính- tiền tệ. |
Việc đặc khu kinh tế Thâm Quyến trong quá trình phát triển đặc khu thành một trung tâm tài chính như ngày nay có hai cách làm đáng tham khảo. Đầu tiên là trao dồi thực lực tài chính, khuyến khích các tổ chức tài chính lập nghiệp tại Thâm Quyến. Thứ hai là quan tâm mật thiết tới phát triển và quy họach của ngành dịch vụ tài chính của cả quốc gia, cố gắng hết khả năng tìm được chỗ đứng cho Thâm Quyến trong quy họach phát triển tài chính của quốc gia. Ông Hoa cũng nhấn mạnh, lợi thế chính sách và nỗ lực phấn đấu rất có hiệu quả trong xây dựng ĐKKT. Từ đó đã đặt nền móng cho việc Thâm Quyến trở thành trung tâm tài chính quốc gia (thậm chí là quốc tế).
Để tạo được nguồn lực tài chính-tiền tệ cho ĐKKT, GS Vương Tô Sinh, Trường Đại học Cáp Nhĩ Tân-Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm: 30 năm trước ở Trung Quốc, khi mới thành lập ĐKKT Thâm Quyến, Chính phủ Trung Quốc chỉ đầu tư số tiền rất nhỏ nên chủ yếu là phải tự thân. Vì vậy, cần phát huy nguồn tài chính từ đất đai để huy động nguồn vốn tài chính. Ngoài khoản thuế của nhà nước chúng ta có thể vận hành quy hoạch để các nhà đầu tư tham gia; có thể xây dựng các doanh nghiệp đầu tư của Chính phủ; phát hành công trái của ngân hàng nhà nước và ở các địa phương cũng có thể phát hành trái phiếu. Quan trọng nữa là phải biết huy động nguồn vốn ngân hàng và nguồn vốn của xã hội; có thể cung cấp đất cho các nhà đầu tư để họ sử dụng vay vốn từ các ngân hàng và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Vì vậy việc tận dụng nguồn tài nguyên đất đai để chuyển thành nguồn vốn xây dựng hạ tầng là rất quan trọng.
Ông Vương Tô Sinh cũng khẳng định, để xây dựng ĐKTT, Vân Đồn có thể hợp tác với Quảng Tây, Vân Nam, đặc biệt là Quảng Đông, Thâm Quyến nơi có nhiều doanh nghiệp lớn có thể đầu tư vào Vân Đồn.
Để tạo cơ chế chính sách cho ĐKKT, ông Đỗ Việt Đức, Vụ phó Vụ NSNN –Bộ Tài Chính nhấn mạnh: Cần có chính sách thuế và chính sách phí; thể chế hóa các văn bản, cái gì vượt khung cần đề xuất để chính phủ ban hành luật đặc biệt; không thể thực hiện cào bằng các chính sách về nguồn hỗ trợ từ trái phiếu chính phủ giữa ĐKKT với các địa phương khác; mở rộng quy định luật ngân sách nhà nước…
Các đại biểu thảo luận về "Cơ chế tài chính- tiền tệ" cho ĐKKT. |
Ông Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đề nghị: Để tạo được cơ chế tài chính-tiền tệ xây dựng ĐKKT cần tôn trọng nguyên tắc thị trường, căn cứ vào các nguồn vốn đề đưa ra các phương pháp tiếp cận thị trường. Và ĐKKT có quyền lực độc lập dù ban đầu là rất khó. Chính phủ cần bàn những giải pháp về tài chính cho ĐKKT. Vấn đề quan trọng nữa là phải tìm được nhà đầu tư chiến lược và quy hoạch được tổng thể đặc khu; có ưu đãi về thuế nhưng phải có hướng di chuyển nguồn thu NSNN sang hình thức khác…
Với 4 nhóm vấn đề cụ thể thảo luận để thu hút nguồn lực tài chính-tiền tệ cho xây dựng ĐKKT là: đưa ra các nguyên tắc để thu hút nguồn lực tài chính-tiền tệ; bài toán tài chính có phân kỳ; mục tiêu của những cơ chế chính sách cụ thể; cơ chế tổ chức vận hành cho cơ chế tài chính-tiền tệ trong ĐKKT, hầu hết các diễn giả, nhà khoa học tham gia phiên thảo luận mở về chủ đề này đã thống nhất nhận định việc xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi nhất là ưu đãi về tài chính-tiền tệ… là những cơ chế cần thiết để triển khai xây dựng ĐKKT và nếu triển khai thực hiện được càng sớm thì cơ hội thu hút nguồn lực tài chính-tiền tệ xây dựng ĐKKT càng cao.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()