Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:38 (GMT +7)
Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Thứ 3, 22/08/2023 | 07:23:20 [GMT +7] A A
Việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công được xem là “trụ đỡ” cho sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, việc giải ngân vốn đầu tư công của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh còn khá chậm. Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho xã hội giúp tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công cũng giúp chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, định hướng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt việc này không chỉ tạo việc làm ngay trước mắt mà nguồn vốn đầu tư công còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Đầu tư công còn như vốn mồi kéo theo các nguồn vốn đầu tư vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giải quyết việc làm, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các địa phương trong đó có tỉnh Quảng Ninh hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Bởi việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giúp các công trình, dự án sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả, công năng sử dụng, qua đó đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước, cũng như sự phát triển của các địa phương.
Mặc dù có rất nhiều lợi ích từ đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, cùng với nhiều địa phương trong nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2023 đến nay của Quảng Ninh vẫn đạt thấp, thậm chí thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao về công tác này.
Đến ngày 8/8/2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh trên 15.700 tỷ đồng, trong đó đã phân khai chi tiết gần 15.100 tỷ đồng. Hiện tại đã giải ngân được gần 4.300 tỷ đồng, đạt 28,4% kế hoạch đã phân khai chi tiết, đạt 31% so với kế hoạch giao đầu năm, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (35%) và cùng kỳ năm 2022 (36%).
Có 5 chủ đầu tư tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của tỉnh, bao gồm: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (57,5%); Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (56,1%); Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (38,3%); Ban Quản lý trồng rừng Việt Đức (32,4%); Đoàn Kinh tế quốc phòng 327 (32,9%). Có 4 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình, bao gồm: Bộ CHQS tỉnh (26,1%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (27,8%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT (15,5%); Công an tỉnh (9,5%).
Đối với vốn ngân sách cấp huyện, có 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của tỉnh, gồm: Hạ Long (37,8%), Quảng Yên (31,4%), Móng Cái (31,02%), Ba Chẽ (30,5%); 9 địa phương còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân của tỉnh, gồm: Đầm Hà (19%), Hải Hà (13,9%), Đông Triều (15,7%), Uông Bí (23%), Cẩm Phả (20,5%), Vân Đồn (27,6%), Cô Tô (24,9%), Bình Liêu (24,6%), Tiên Yên (21,2%).
Nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được cho là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp; giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao làm tăng chi phí cho doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư xây dựng; vướng mắc giữa các chủ đầu tư với sở, ngành, địa phương trong xử lý tài sản công; triển khai các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm…
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố xác định khối lượng thực tế của từng dự án đã thực hiện để đẩy nhanh thanh quyết toán; rà soát, báo cáo cụ thể về UBND tỉnh khả năng thu tiền sử dụng đất của các địa phương năm 2023, từ đó điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công; chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân. Đặc biệt phải phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh đạt 93,9%, cao nhất trong 5 năm gần đây. Để giải ngân hiệu quả nguồn vốn này trong năm 2023, không thấp hơn năm 2022, thì các sở, ban, ngành, địa phương sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()