Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:21 (GMT +7)
Cần đồng bộ các giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Thứ 5, 29/10/2020 | 07:57:58 [GMT +7] A A
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh khoảng 1.397 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 1.320 tấn/ngày, đạt 94,5%.
Khu xử lý rác thải tập trung tại xã Hoành Mô (Bình Liêu) đang được triển khai xây dựng. |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những năm gần đây, trong quá trình phát triển kinh tế, gia tăng dân số và đô thị hóa, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ngày càng tăng..., bên cạnh những thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội cũng phát sinh những bất cập đối với môi trường. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động công tác quản lý chất thải và thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn; thiết lập các tuyến thu gom rác thải sinh hoạt và xây dựng các điểm trung chuyển rác. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương theo quy hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 10 khu xử lý chất thải rắn tập trung đang hoạt động, trong đó 5 khu xử lý sử dụng công nghệ đốt tại: xã Vũ Oai và Hòa Bình (TP Hạ Long); thôn Khe Hố, xã Nam Sơn (Ba Chẽ); thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến (Cô Tô) và 5 bãi chôn lấp chất thải rắn tại: Phường Mạo Khê (Đông Triều), xã Vạn Yên (Vân Đồn), xã Vô Ngại (Bình Liêu), xã Tiên Lãng (Tiên Yên), xã Dực Yên (Đầm Hà).
Hiện nay có một số dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt đang được triển khai, như: Nhà máy xử lý rác tại xã Tràng Lương (Đông Triều); Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Đông Hải (Tiên Yên); Khu xử lý chất thải rắn xã Dực Yên (Đầm Hà). Sau khi các dự án hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu xử lý chất thải rắn, hạn chế lượng chất thải rắn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, khắc phục tốt tình trạng ô nhiễm môi trường.
Song song với đó, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động đầu tư xây dựng mới, cải tạo bãi rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, trong tỉnh đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đối với 4 bãi chôn lấp chất thải rắn đã đầy và có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh môi trường (Đèo Sen, Hà Khẩu, Quang Hanh, bãi rác khu 1 thị trấn Trới); hỗ trợ phương tiện thiết bị thu gom rác đối với một số xã miền núi, nông thôn các địa phương: Hải Hà, Bình Liêu, Quảng Yên, Uông Bí. Đồng thời, triển khai các dự án đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, hỗ trợ các địa phương: Bình Liêu, Vân Đồn, Đầm Hà, Cô Tô, Ba Chẽ thực hiện 9 dự án đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt…
Ngoài ra, tỉnh cũng giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối lập, triển khai Đề án nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2019- 2022. Đề án triển khai với mục tiêu nâng cao hiệu quả thu gom chất thải rắn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc chôn lấp rác không được phân loại gây ra, từ đây cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác tại nguồn, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường sống...
Đoàn viên thanh niên và người dân xã Tiền Phong (TX Quảng Yên) tham gia dọn vệ sinh đường thôn, xóm. |
Bên cạnh việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thời gian qua phong trào toàn dân bảo vệ môi trường đã được các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả rõ nét. Người dân các khu dân cư, thôn bản đã chủ động ký cam kết xả rác đúng nơi quy định; tích cực ra quân dọn vệ sinh vào các ngày thứ 7, chủ nhật hằng tuần. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập các tổ tự quản thu gom rác thải... Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, hình thành ý thức tốt trong công tác bảo vệ môi trường trong nhân dân...
Khu tập kết rác tại tổ 8, khu 5, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) thường xuyên trong tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân quanh khu vực. |
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên có một thực tế hiện nay việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn chủ yếu vẫn bằng phương pháp chôn lấp và đốt, nên hiệu quả xử lý không cao. Bên cạnh đó, hầu hết khu vực nông thôn có mật độ dân cư thưa thớt, nằm rải rác không tập trung, nên cung đường vận chuyển rác khá dài, nên việc thu gom rác thải sinh hoạt đạt hiệu quả không cao, có nơi do lượng rác tại các điểm trung chuyển tập kết từ 2 - 3 ngày, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc trong dân. Tại khu đô thị như Hạ Long, từ năm 2019, Ban Quản lý các dịch vụ công ích thành phố đã phối hợp rà soát, điều chỉnh một số điểm tập kết rác. Theo đó, đã giảm từ 198 điểm, xuống còn 96 điểm. Bên cạnh thuận lợi là khắc phục được ô nhiễm môi trường tại nhiều khu vực, thì cũng phát sinh những bất cập. Thực tế đã có nhiều hộ sinh sống ở gần khu vực tập kết rác kiến nghị về lượng rác thải tập kết tại các điểm tăng do các hộ dân ở nhiều tổ, khu phố cùng tập kết dồn vào một điểm, khiến lượng rác ùn ứ gây ô nhiễm môi trường...
Để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, rất cần được triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó huy động hiệu quả các đơn vị áp dụng những công nghệ xử lý tiên tiến tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn phục vụ chung cho các đô thị. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực nhất.
Liên Hương
Liên kết website
Ý kiến ()