Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 02:22 (GMT +7)
Cần quan tâm và đề cập hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên
Thứ 4, 26/08/2015 | 08:14:22 [GMT +7] A A
Qua đọc, nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII trình Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), với sự hiểu biết của mình tôi thấy rằng: Dự thảo Báo cáo chính trị có kết cấu, bố cục rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện tính khoa học cao; nội dung ngắn gọn, súc tích, có tính khái quát cao nhưng lại khá đầy đủ và chi tiết về các lĩnh vực hoạt động.
Dự thảo đã nêu được cái nhìn khái quát về những thành quả đạt được mang tính đột phá và sáng tạo của tỉnh trong 5 năm qua. Phương châm chuyển đổi chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh từ “nâu sang xanh” trong những năm qua đã và đang đưa nền kinh tế, văn hoá, xã hội Quảng Ninh sang một trang mới. Những con số mà Dự thảo báo cáo đưa ra đã phần nào chứng minh được hướng đi đúng của tỉnh. Tuy nhiên, tôi xin có một số đóng góp như sau:
Mục 1.6 (trang 9) - Đầu tư mạnh cho ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Dự thảo mới đề cập chủ yếu đến tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khai thác, vận chuyển, kinh doanh than và công tác quản lý tài nguyên đất, mà chưa đề cập đến việc quản lý tài nguyên biển, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Nguồn lợi thuỷ sản Quảng Ninh rất đa dạng và phong phú, nhưng với tốc độ khai thác như hiện nay thì nguồn lợi ngày một suy giảm và đang có nguy cơ bị cạn kiệt, chưa kể các chất thải xăng dầu từ các thuyền đánh bắt và khai thác trên biển sẽ tác động và gây ô nhiễm môi trường mặt nước biển. Điều này tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái, cũng như tài nguyên đa dạng sinh học vùng ven biển. Như vậy, về quản lý nguồn lợi thuỷ sản, phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học những năm qua tỉnh đã quan tâm và giải quyết như thế nào? Nuôi trồng, đánh bắt và khai thác thuỷ sản cũng là một lĩnh vực quan trọng đóng góp vào kinh tế Quảng Ninh những năm qua. Do vậy, cần quan tâm và chú trọng nhiều hơn nữa đến việc quản lý nguồn lợi thuỷ sản, khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
Mục 1.2 (trang 19) - Phần Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân ở lĩnh vực văn hoá - xã hội - môi trường, theo tôi cần có đánh giá sâu hơn nữa về việc xử lý rác thải rắn đô thị cũng như nước thải sinh hoạt. Dự thảo có nêu “hệ thống xử lý rác, nước thải sinh hoạt chưa đồng bộ” là chưa đầy đủ. Cần nhìn nhận thực tế là một số bãi tập kết rác thải sinh hoạt tại Quảng Ninh chưa đạt yêu cầu và thậm chí là gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân khu vực xung quanh, ví dụ điển hình là bãi tập kết rác thải sinh hoạt TX Quảng Yên thời gian qua đã gây ô nhiễm trầm trọng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt của những người dân khu vực phường Cộng Hoà và xã Tiền An. Bổ sung thêm ý “hệ thống thu gom và vận chuyển rác thải không đầy đủ và chưa phù hợp; rác thải chưa được phân loại tại nguồn; mật độ phân bổ các điểm tập kết thu gom rác chưa phù hợp và còn thiếu dẫn đến một số tuyến đường rác còn được đổ trực tiếp bên lề đường gây ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan đô thị và môi trường xung quanh; chưa có hình thức tuyên truyền và vận động người dân nâng cao ý thức trong việc đổ rác tại nơi công cộng”. Đối với nước thải sinh hoạt, đề nghị bổ sung thêm ý “các thành phố, thị xã khác trong tỉnh (trừ TP Hạ Long) chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nên phần lớn lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý xả trực tiếp vào các nguồn nước công cộng”.
Phần Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, về cơ bản, tôi nhất trí cao với mục tiêu và định hướng mà Dự thảo nêu ra, đã khá rõ nét và đầy đủ. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm ý “tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn và khai thác bền vững” vào mục 1 - mục tiêu tổng quát (trang 23). Mục 2 - Các chỉ tiêu chủ yếu; Về môi trường, bổ sung thêm chỉ tiêu về tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý.
Phạm Khánh Phương
(Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()