Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:19 (GMT +7)
Xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số
Thứ 2, 04/11/2024 | 22:10:59 [GMT +7] A A
Tại phiên thảo luận chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã giải trình, làm rõ nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đào tạo nhân lực đáp ứng cho doanh nghiệp FDI
Liên quan đến các trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, có 526 trung tâm đang chịu sự quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc do Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã quản lý.
Trong các văn bản quy định hiện hành như Thông tư liên bộ số 39 ban hành năm 2010 và Thông tư số 01 ban hành năm 2019 của Bộ Giáo dục Đào tạo đều đưa ra cơ sở pháp lý, song vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tế áp dụng. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết các vấn đề liên quan đến Thông tư 39. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất sửa đổi Nghị định 127 về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó xem xét trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý. Cuối tháng 11/2024, Bộ dự kiến tổ chức một hội nghị toàn quốc cho tất cả các giám đốc trung tâm để thảo luận, tháo gỡ những điểm nghẽn trong quản lý và hoạt động của các trung tâm này.
Về nội dung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, các ngành công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc đào tạo nhân lực thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế với tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI thường sẽ đem theo những lĩnh vực mới vào Việt Nam và việc chuẩn bị được đầy đủ nguồn nhân lực hay chưa vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phân tích những khó khăn của việc đào tạo nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI; cần kế hoạch và sự chủ động để có thể đáp ứng được yêu cầu.
Đối với vấn đề in ấn, phát hành sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, thời gian qua, ngành Giáo dục đã chấn chỉnh và xử lý những trường hợp liên quan đến "lợi ích nhóm" trong việc in ấn, phát hành sách; đồng thời khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để vấn đề này.
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhìn chung các chính sách xã hội được triển khai cơ bản đúng, đủ và kịp thời, thông qua đó tạo chuyển biến rất quan trọng về nhận thức, hành động và hiệu quả. Đặc biệt, chính sách về người có công là một trong những chính sách nổi trội; các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo hướng đảm bảo an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện có hiệu quả.
Theo đó, tỷ lệ giảm nghèo đạt chuẩn 1%, hiện nay chỉ còn 1,93% là cố gắng lớn trong điều kiện thiên tai, lũ, bão liên tiếp xảy ra. Lần đầu tiên, Việt Nam đạt chỉ tiêu về năng suất lao động 5,56% so với yêu cầu đề ra, điều đáng mừng là chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ thêm, cuối tháng 10/2024, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được các nước G7 mời trực tiếp đến báo cáo điển hình về việc thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, bên cạnh việc chú trọng đào tạo nhân lực đại trà thì phải chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phấn đấu đến cuối năm 2025, Việt Nam phải nằm trong tốp 3 các nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, cần tập trung vào hai đề án lớn; đó là Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án về phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần quan tâm một số vấn đề là có chính sách hiệu quả thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công; trong đào tạo đại học cần chú trọng nghiên cứu khoa học, đặc biệt phải lấy tự chủ đại học là khâu đột phá. Trong giáo dục nghề nghiệp cần tập trung đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước, trong đó kết nối doanh nghiệp phải là khâu đột phá.
Đồng thời, Bộ trưởng chỉ rõ cần chú trọng hai vấn đề lớn. Cụ thể, từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế. Đây là vấn đề rất quan trọng, có tính chất chiến lược.
Quyết liệt gỡ "thẻ vàng" IUU
Đề cập đến những vấn đề liên quan đến cơn bão số 3 (Yagi), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ với những mất mát về người, tài sản của chính quyền địa phương và người dân. Bão Yagi cho thấy phải nâng cấp tư duy về ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai ở một cấp độ cao hơn, xử lý được những tình huống cao hơn, kể cả về hạ tầng, quy hoạch các địa phương ven biển, không gian bị chia cắt ở vùng trung du, miền núi phía Bắc…
Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ 2 nghị định về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do thiên tai và hỗ trợ sản xuất bị tổn thất do dịch bệnh trên động vật.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bộ đã thiết kế lại chính sách là nâng mức hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại đồng thời tránh tình trạng lợi dụng chính sách.
Về bảo hiểm nông nghiệp sau bão, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang tiến hành rà soát, sửa đổi lại những quy định còn bất cập.
Về phát triển thủy sản bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EU)
Bộ trưởng nêu rõ, IUU là một bước để tiến tới phát triển bền vững. IUU bao gồm 3 hành động là: chống khai thác bất hợp pháp, không đúng quy định, không khai báo, tất cả đều nằm trong Điều 10 Luật Thủy sản năm 2017. Nghĩa là đã có quy định rõ nhưng vì nhiều lý do mà chưa thực thi quyết liệt. Do vậy, cần xem lại vấn đề thực thi ở các cấp chính quyền.
“Đây là thời khắc khó khăn để cố gắng làm sao sớm tháo gỡ thẻ vàng. Tôi khẳng định, việc thực hiện khuyến cáo của EU đã được chúng ta cải thiện rất nhiều. Điều này đã được đoàn thanh tra EU ghi nhận”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội cùng Chính phủ, cấp ủy chính quyền địa phương lan tỏa tinh thần và câu chuyện về phát triển thủy sản bền vững; đó là giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo tồn biển.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()