Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 07:28 (GMT +7)
Cần thêm nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Thứ 4, 29/05/2024 | 11:22:49 [GMT +7] A A
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Chú trọng tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp
Trình bày ý kiến trước Quốc hội, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.
“Theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 68,4 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2023. Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, ở mức 1,6% vào đầu tháng 4, cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức”, đại biểu nêu thực trạng, đồng thời đề nghị cần khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế. Tuy nhiên Chính phủ, các bộ ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.
Đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; trong đó tập trung triển khai nghiêm túc các nghị định, chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua. Đồng thời tiếp tục chia sẻ thông điệp đã được người đứng đầu Chính phủ gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đó là: Chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế; tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.
Dẫn số liệu phản ánh tình trạng số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo đại biểu, đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cũng cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đến tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường để có giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…
Đề xuất các giải pháp nới lỏng chính sách tài khóa, khơi thông nguồn vốn tín dụng
Trình bày thêm quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thi đưa ra hiện trạng tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột giữa một số nước là nguyên nhân gây áp lực lên giá năng lượng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những thách thức, đây cũng là trở ngại đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Vì vậy, cần phải có những chính sách mạnh mẽ hơn đến từ chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm của đại dịch Covid-19 và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm. Trong thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách, đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa, chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Bàn đến khối kinh tế tư nhân, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) thông tin, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra 12 nhóm giải pháp. Đại biểu Đỗ Thị Lan bày tỏ sự thống nhất với giải pháp đưa ra trong báo cáo đề nghị của Chính phủ và đề nghị thêm một số giải pháp sau:
Một là, đề nghị Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển.
Hai là, cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ba là, sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, giảm thời gian chi phí tuân thủ và các chi phí không chính thức không trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cung cấp thông tin hỗ trợ, pháp lý, kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Cần chính sách để đưa các ngành kinh tế mới thành động lực tăng trưởng Trình bày quan điểm trước Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tận dụng những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, đem lại những động lực mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để các ngành kinh tế mới này thực sự trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới, đại biểu đề nghị cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì cần có các cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày…, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước. |
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()