Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 14:23 (GMT +7)
Căng thẳng dễ gây đau bụng, đau dạ dày
Thứ 3, 31/10/2023 | 10:04:05 [GMT +7] A A
Nhiều người cho rằng đau dạ dày, đau bụng là do vấn đề dinh dưỡng, chế độ ăn uống, vi khuẩn Helicobacter Pylori. Tuy nhiên, đau dạ dày, đau bụng còn do nguyên nhân căng thẳng, lo lắng.
Căng thẳng và lo lắng là nguyên nhân gây đau dạ dày
Thực tế cho thấy trong cuộc sống hiện đại, nhiều người rất bận rộn và có nhiều áp lực khiến cho chúng ta căng thẳng, stress. Tình trạng này xảy ra thường xuyên sẽ dẫn đến nguy cơ viêm loét dạ dày, đau bụng kéo dài.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được mối liên hệ mạnh mẽ giữa ruột và não. Giống như não, ruột chứa đầy các dây thần kinh. Vùng dây thần kinh lớn nhất bên ngoài não có nhiều kết nối thần kinh giống với đường tiêu hóa.
Hormone là những chất hóa học giúp một số bộ phận trong cơ thể hoạt động. Các tuyến thượng thận tạo ra những hormone giúp cơ thể phản ứng chiến - hay - chạy, bao gồm adrenaline, noradrenaline, cortisol. Khi ở mức cao trong một thời gian dài, những hormone này có thể làm suy yếu xương và hệ miễn dịch, gây rối loạn giấc ngủ và mất cơ, cũng như các vấn đề về dạ dày, đường ruột.
Dù là một sự kiện căng thẳng thần kinh tạm thời, hay lo lắng và stress kéo dài theo thời gian, đều có thể trực tiếp gây ra tổn hại về thể chất cho hệ tiêu hóa. Khi lo lắng, một số hormone và hóa chất do cơ thể tiết ra sẽ đi vào đường tiêu hóa, cản trở quá trình hoạt động. Chúng có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm sản xuất kháng thể. Kết quả của sự mất cân bằng hóa học có thể gây ra một số vấn về đường tiêu hóa.
Biểu hiện thế nào?
Các triệu chứng và tình trạng đường ruột liên quan đến căng thẳng bao gồm:
-
Khó tiêu;
-
Co thắt dạ dày;
-
Tiêu chảy;
-
Táo bón;
-
Ăn mất ngon;
-
Đói bất thường;
-
Buồn nôn;
-
Hội chứng ruột kích thích;
-
Loét dạ dày tá tràng.
Những triệu chứng thường gặp khi viêm loét dạ dày do căng thẳng, stress như:
-
Đau vùng bụng trên, đau tức thượng vị, có cảm giác nóng rát;
-
Chán ăn, ăn không ngon;
-
Hay ợ chua, ợ nóng;
-
Đầy bụng sau khi ăn;
-
Thường có cảm giác nôn và buồn nôn;
-
Sụt cân,…
Ngoài ra, người bị stress, lo âu thường mắc kèm nhiều triệu chứng khác như: luôn mệt mỏi, đôi khi có cảm giác hồi hộp, khó thở, tức ngực, chóng mặt, khó ngủ, mất ngủ, đau đầu,…
Việc mắc phải một trong những tình trạng trên cũng có thể trở thành nguồn gốc gây lo lắng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Ở một số bệnh nhân bị tiêu chảy phát sinh nỗi sợ hãi khi không thể kiểm soát việc đi đại tiện, khiến họ e ngại rời khỏi nhà hoặc đi một số nơi nhất định. Nếu bị đau bụng hoặc khó tiêu, chúng ta có thể trở nên lo sợ về việc ăn uống bên ngoài và dần ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.
Viêm loét dạ dày có thể tiến triển nhanh, nếu không được điều trị dứt điểm bệnh sẽ phát triển với những cơn đau co thắt dữ dội, đôi khi khiến cho người bệnh nôn mửa nhiều, xuất huyết dạ dày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Lời khuyên của thầy thuốc cho bệnh nhân bị đau dạ dày do căng thẳng
Để điều trị đau dạ dày, đau bụng do căng thẳng, stress hiệu quả thì cần có những hướng điều chỉnh phù hợp. Nếu căng thẳng, stress được hạn chế và kết hợp cùng một lối sống khoa học, lành mạnh thì việc điều trị bệnh là rất dễ, rất khả quan.
Người bệnh cần điều chỉnh lại lịch sinh hoạt điều độ và sắp xếp công việc, học tập của mình phù hợp để giảm stress.
- Cần ngủ sớm. Giấc ngủ rất quan trọng cho cơ thể và là cách giúp chúng ta lấy lại tinh thần, giảm stress mệt mỏi. Cơ thể cũng có thời gian nghỉ ngơi sau khi ngủ đủ giấc.
- Cần ăn uống lành mạnh, đủ chất và hạn chế các thực phẩm có tính kích thích cao đối với dạ dày như đồ uống có cồn, có chứa chất kích thích, các thực phẩm có tính lên men, tính axit,... Chúng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe dạ dày.
Tóm lại, mặc dù căng thẳng là một phần bình thường của cuộc sống và không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể kiểm soát căng thẳng để giảm tác động lên đường ruột, dạ dày. Để giảm stress và những rắc rối liên quan đến dạ dày cũng như tránh đau bụng do căng thẳng chúng ta có thể áp dụng những cách thức sau:
- Giảm căng thẳng, nghỉ giải lao và hít thở: Khi làm việc căng thẳng cần nghỉ giải lao, thực hiện hít thở đúng thì lời khuyên này thực sự hữu ích. Cứ sau vài giờ, hãy dừng việc đang làm, hít thở sâu chậm và yên tĩnh một phút rất hiệu quả. Hơi thở phải rất chậm, tĩnh lặng và bằng mũi. Căng tròn bụng khi hít vào và hóp sát bụng khi bạn thở ra.
- Hãy biết nói không và biết từ chối để giảm mệt mỏi và căng thẳng. Đừng bao giờ luôn cố gắng đảm đương hết mọi thứ và làm hài lòng mọi người bởi điều này khiến chúng ta cực kỳ căng thẳng.
- Tập thể dục hoặc tập yoga: Hoạt động thể chất là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng, ngay cả khi chỉ diễn ra trong 15 phút mỗi ngày. Khi bạn tập thể dục, cơ thể sẽ giải phóng các chất hóa học endorphin để tương tác với các thụ thể trong não và kích hoạt cảm giác tích cực trong cơ thể.
- Suy nghĩ tích cực: Thay vì lo lắng không thể kiểm soát, hãy tập trung vào những thứ có thể kiểm soát, chẳng hạn như cách chọn phản ứng với vấn đề. Hãy suy nghĩ tích cực bởi chuyện gì cũng có thể giải quyết. Hãy chia sẻ những khó khăn, những vướng mắc trong cuộc sống của mình với bạn bè, người thân sẽ làm giảm lo lắng và hạn chế các triệu chứng.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()