Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 00:02 (GMT +7)
Căng thẳng gia tăng giữa Tây Ban Nha và Maroc về bản đồ mới gây tranh cãi
Thứ 4, 23/08/2023 | 22:25:20 [GMT +7] A A
Quan hệ căng thẳng giữa Maroc và Tây Ban Nha gia tăng sau tranh cãi về bản đồ mới liên quan đến khu vực Ceuta và Melilla.
Theo mạng tin Euractiv.es (Tây Ban Nha) ngày 23/8, đảng Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) dưới sự lãnh đạo quyền Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết họ kiên quyết bác bỏ việc xuất bản bản đồ chính thức lãnh thổ Maroc mới, trong đó bao gồm các thành phố tự trị Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha, trong khi người đứng đầu khu vực Melilla yêu cầu Madrid phải gửi công hàm phản đối chính thức với Rabat.
Trang web của Đại sứ quán Maroc tại Madrid mới đây đã công bố một bản đồ mà trên đó Ceuta và Melilla là một phần lãnh thổ của quốc gia Bắc Phi này.
Ceuta và Melilla được coi là các điểm nóng di cư ở biên giới phía nam của EU và chủ đề này là một trong những vấn đề chính gây tranh cãi giữa Tây Ban Nha và Maroc.
Cơ sở đảng của PSOE ở Melilla đã bày tỏ “bác bỏ hoàn toàn”, trong khi người đứng đầu khu vực Melilla, Juan José Imbroda của đảng trung hữu Partido Popular (PP/EPP), lực lượng đối lập chính trong nước, yêu cầu Madrid nộp đơn “chính thức phản đối".
Thị trưởng Imbroda cho rằng điều này “là một sự sỉ nhục đối với Tây Ban Nha, với Hiến pháp của chúng tôi, với lịch sử và chủ quyền của chúng tôi”.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thành lập liên minh chính phủ đang diễn ra sau cuộc bầu cử sớm được tổ chức vào ngày 23/7, ông Imbroda đã hối thúc giục quyền Thủ tướng Pedro Sánchez gửi “một công hàm phản đối chính thức và nghiêm túc” tới Đại sứ Maroc tại Madrid, Karima Benyaich.
Theo bản đồ gây tranh cãi, toàn bộ vùng lãnh thổ tranh chấp Tây Sahara cũng thuộc về Maroc.
Hôm 22/8, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha nhấn mạnh rằng Ceuta và Melilla thuộc về Tây Ban Nha, nhưng không xác nhận rằng họ sẽ thực hiện các hành động phản đối khác tới Đại sứ quán Maroc ở Madrid hoặc trực tiếp với chính phủ Maroc.
Tây Ban Nha có mối quan hệ phức tạp với Maroc trong những năm gần đây. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào mùa xuân năm 2021, khi Tây Ban Nha bị cáo buộc Rabat bắt giữ thủ lĩnh của Mặt trận Polisario, tổ chức ủng hộ nền độc lập của Tây Sahara.
Khoảng một tháng sau, lính biên phòng Maroc "không có phản ứng" khi khoảng 8.000 người di cư tràn vào vùng đất Ceuta của Tây Ban Nha. Các thành viên của chính phủ Tây Ban Nha cáo buộc Maroc "vũ khí hóa" người di cư.
Nhưng sau đó, khoảng một năm sau, Madrid đã đưa ra một thông báo đáng ngạc nhiên - rằng họ ủng hộ kế hoạch của Maroc về Tây Sahara trong một nỗ lực rõ ràng nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Đầu năm nay, hai nước thậm chí còn tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương cấp cao đầu tiên sau 8 năm, ký 20 thỏa thuận và như Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã nói, cam kết sẽ không “xúc phạm bên kia, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực chủ quyền”.
Tuy nhiên, sự hòa dịu không kéo dài được lâu. Vào tháng 5/2023, Madrid chỉ trích Rabat vì đã gọi Ceuta và Melilla là “các thành phố của Maroc” trong một tài liệu gửi tới EU.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()