Những đòn đáp trả qua lại giữa Israel và nhóm Hezbollah ngày càng gia tăng, làm dấy lên lo ngại những cuộc đụng độ nhỏ lẻ leo thang thành xung đột toàn diện.
Xung đột nổ ra dọc biên giới Lebanon - Israel song song với cuộc chiến ở Dải Gaza. Trong 6 tuần qua, lực lượng Israel và nhóm Herbollah ở Lebanon tấn công đáp trả nhau hàng ngày. Hầu hết các cuộc tập kích nằm trong phạm vi 6-8 km tính từ biên giới.
Tuy nhiên, phạm vi và cường độ giao tranh giữa hai bên đang gia tăng. Ngày 18/11, máy bay Israel tấn công nhà máy nhôm ở thị trấn Nabatieh của Lebanon, cách biên giới hơn 19 km, vượt xa phạm vi thường lệ.
Cả hai bên cũng bắt đầu sử dụng vũ khí nguy hiểm hơn. Israel hiện thường xuyên điều tiêm kích tấn công các mục tiêu Hezbollah, trong khi nhóm vũ trang ở Lebanon triển khai máy bay không người lái và phóng tên lửa hạng nặng hơn.
Hezbollah ngày 18/11 tuyên bố bắn hạ một máy bay không người lái của Israel, song Tel Aviv bác bỏ. Cùng ngày, Israel tấn công mục tiêu họ mô tả là hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại của nhóm vũ trang.
Quan chức Israel cảnh báo "công dân Lebanon sẽ phải trả giá vì sự liều lĩnh của Hezbollah khi nhóm quyết định bảo vệ cho Hamas", Daniel Hagari, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói tuần trước. "IDF có kế hoạch hành động để thay đổi tình hình an ninh phía bắc".
Trong những tuần đầu xung đột,Israelchỉ bắn phá vào buổi tối, theo Adiba Fanash, 65 tuổi, một trong số hơn chục công dân vẫn ở làng Dhaira tại Lebanon, sát biên giới với Israel. "Bây giờ là từ sáng tới tối. Tình hình đang leo thang từng ngày", bà nói.
Dù những đụng độ nhỏ lẻ hiện tại chưa gây ra xung đột lớn mà nhiều người lo ngại, giới quan sát cho rằng mỗi lần hai bên vi phạm giao ước ngầm sẽ đẩy tình hình đến bên bờ vực leo thang nghiêm trọng.
Cuộc xung đột quy mô lớn gần nhất giữa hai bên vào năm 2006 đã khiến hơn 1.200 người ở Lebanon và 165 người ở Israel thiệt mạng, biến các khu vực trong phạm vi giao tranh thành đống đổ nát. Hai bên đã cảnh báo bất kỳ cuộc xung đột toàn diện nào xảy ra lúc này sẽ tàn phá nghiêm trọng hơn và cả hai bên đều cho thấy họ không muốn như vậy.
Tuy nhiên, khi những cuộc đáp trả qua lại gia tăng, nguy cơ một trong hai bên tính toán sai lầm khiến tình hình vượt kiểm soát lớn dần, theo Andrea Tenenti, người phát ngôn Lực lượng Lâm thời Liên Hợp Quốc tại Lebanon, lực lượng gìn giữ hòa bình giám sát khu vực biên giới nước này.
"Bất kỳ điều gì một trong hai bên làm, bên kia có thể cho là nó đi quá xa và dẫn tới cuộc chiến lớn hơn", ông Tenenti nói.
Lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah hôm 11/11 nói rằng nhóm đang tăng cường hoạt động ở biên giới Lebanon - Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đầu tuần trước cảnh báo về hậu quả nếuHezbollahmở rộng phạm vi tấn công. "Đây là hành vi đùa với lửa và đòn đáp trả của chúng tôi sẽ mạnh hơn nhiều. Họ không nên thử thách thức chúng tôi, bởi chúng tôi mới chỉ sử dụng một chút sức mạnh của mình", ông nói.
Israel từ lâu coi Hezbollah là mối đe dọa lớn nhất ở biên giới. Khi được hỏi về lằn ranh đỏ của Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant từng tuyên bố "nếu bạn nghe thấy chúng tôi đã tấn công Beirut (thủ đô Lebanon), bạn sẽ hiểu Nasrallah đã vượt lằn ranh đỏ".
Hezbollah, nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn, hiện kiểm soát hầu hết các khu vực mà người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số ở Lebanon, bao gồm một phần thủ đô Beirut.
Tại thành phố biển Tyre, nhiều người lo ngại bạo lực sẽ sớm lan sang phần còn lại của Lebanon. 17 năm qua đã mang lại cho thành phố miền nam thời kỳ hòa bình dài nhất trong 5 thập kỷ qua và phát triển mạnh mẽ.
Lo ngại về xung đột đã khiến các quán bar, khách sạn, nhà hàng ngày càng vắng khách. Nhu cầu đánh bắt cá của ngư dân trong vùng cũng giảm mạnh. "Chúng tôi muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh", Sami Rizk, ngư dân địa phương, nói.
Liệu chiến tranh có thể bùng phát hay không hiện là câu hỏi chưa có lời đáp. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại về căng thẳng lan rộng.
"Tôi chắc chắn rằng căng thẳng sẽ lan rộng, nhưng tôi không rõ liệu có xảy ra cuộc xung đột toàn diện mà không ai muốn hay không", Mahanad Hage Ali, nhà nghiên cứu của Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut, Lebanon, nói.
Những cuộc đàm phán căng thẳng sau hậu trường đang được tiến hành để ngăn kịch bản xung đột năm 2006 lặp lại, theo các nhà ngoại giao Arab và phương Tây. Sự chú ý của họ tập trung vào tính toán của Hezbollah cùng những tuyên bố của lãnh đạo nhóm Nasrallah.
Trong hai bài phát biểu kể từ khixung đột Gazabùng phát, Nasrallah đã chỉ ra rằng Hezbollah xem vai trò của họ là chuyển hướng tập trung của Israel nhằm giảm áp lực cho Hamas, đồng minh của nhóm ở Gaza, thay vì cuộc chiến toàn diện.
Dù là nhóm vũ trang chống chính phủ, Hezbollah nhận được ủng hộ từ nhiều người Lebanon. Không rõ liệu Hezbollah có thể duy trì sự ủng hộ này hay không nếu kéo đất nước vào cuộc xung đột tốn kém, khi Lebanon vốn bị kìm kẹp bởi bế tắc chính trị và sụp đổ kinh tế.
Người dân Lebanon cũng lo ngại về ý định của Israel và viễn cảnh họ cố loại bỏ sự hiện diện của nhóm vũ trang dọc biên giới phía bắc. Israel từng hai lần đưa quân vào Lebanon và chiếm đóng nước này trong 22 năm từ 1978 tới 2000.
Hầu hết người Lebanon đều tin Israel muốn tiếp quản đất nước của họ lần nữa. "Họ muốn đất đai, khí đốt và nguồn nước của chúng tôi", Samir Hussein, kỹ sư sống ở Tyre, nói.
Những lời cảnh báo gay gắt của Israel và kịch bảnHamasthua ở Gaza khiến Hezbollah đối mặt lựa chọn khó khăn, theo Mohammed Obeid, nhà phân tích chính trị thân cận với nhóm này. "Liệu bạn có thể để người Israel chiến thắng ở Gaza hay không? Nếu họ làm vậy, Lebanon sẽ là mục tiêu tiếp theo", ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mô tả tình hình bạo lực hiện tại là "đòn ăn miếng trả miếng". "Chắc chắn không ai muốn thấy một cuộc xung đột khác nổ ra ở biên giới phía bắc Israel", ông Austin nói.
"Không bên nào muốn nhượng bộ, tôi nghĩ Mỹ đang đóng vai trò mạnh mẽ trong nỗ lực kiểm soát tình hình", chuyên gia Hage Ali nhận định.
Ý kiến ()