Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:20 (GMT +7)
Cảnh báo mùa Tết: Trẻ ăn nhiều vẫn suy dinh dưỡng
Thứ 3, 18/01/2022 | 22:45:32 [GMT +7] A A
Chỉ trong vài tuần của mùa lễ Tết, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng và kìm hãm tốc độ tăng trưởng tối ưu, đều đặn mà trẻ cần phải có.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Loan - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Cộng đồng, Trung Tâm Dinh dưỡng TP.HCM; Bác sĩ Dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, nhiều phụ huynh chủ quan rằng mùa lễ Tết có vô vàn món ăn ngon, thậm chí bổ dưỡng, cứ cho trẻ ăn uống thoả thích thì không thể bị suy dinh dưỡng được.
Ngược lại, tâm lý “cho con thoải mái” ngày Tết cũng góp phần khiến trẻ không có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nhiều trẻ chỉ cần uống một ly sữa nhỏ và ăn thêm bánh mứt có sẵn là đã được xem như đủ bữa. Nếu trẻ bị sụt cân hay tăng cân thì nhiều phụ huynh cũng tin rằng hết Tết trẻ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường, không có gì đáng lo ngại.
“Thật ra, mùa lễ Tết là khoảng thời gian trẻ dễ gặp phải các vấn đề về dinh dưỡng và hậu quả của chúng có thể kéo dài mà ba mẹ không lường trước được. Trong đó, thường gặp nhất là trẻ ăn uống mất cân đối dẫn đến thiếu vi chất. Trẻ có thể bị hấp dẫn trước vô vàn thức ăn ngon nhưng lại chưa tự biết cách chọn lựa thế nào cho cân đối. Đáng lưu ý là trẻ sụt cân hay tăng cân vào ngày Tết đều có thể bị suy dinh dưỡng”, Thạc sĩ, bác sĩ Hồng Loan cho biết.
Với trẻ dư cân, trẻ thường có xu hướng thích ăn nhiều bánh mứt, uống nước ngọt, bánh chưng, lạp xưởng, thịt mỡ, giò thủ, thịt kho tàu… sẽ càng làm trẻ dễ tăng cân hơn, nhưng trẻ sẽ bị thừa chất này thiếu chất kia. Với trẻ đang nhẹ cân, còi cọc, biếng ăn, việc ăn uống qua loa, bỏ bữa, ăn thiếu cân đối… sẽ càng khiến trẻ đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nặng hơn.
Ngoài ra, giờ giấc sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ bị xáo trộn, trẻ ham chơi thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa, ăn thiếu vi chất làm giảm sức đề kháng… cũng góp phần khiến trẻ gặp phải các vấn đề dinh dưỡng như biếng ăn, táo bón, mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, dễ mắc bệnh vặt…
Đối với trẻ em, chỉ cần gặp vấn đề trong một thời gian ngắn cũng sẽ ảnh hưởng, kìm hãm tốc độ tăng trưởng tối ưu đều đặn mà trẻ cần phải có, dẫn đến trẻ bị mất đi cân nặng và chiều cao quý giá. Thậm chí, các vấn đề dinh dưỡng này có thể “theo đà” không dừng lại sau Tết, khiến trẻ phải chịu nhiều hệ luỵ kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, chiều cao, cân nặng… mà ba mẹ không thể thấy ngay được bằng mắt thường.
Thầy thuốc nhân dân, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Giám đốc Y khoa Nutrihome miền Bắc, cho biết: “Ngày Tết trẻ thường ăn nhiều thức ăn giàu đạm, béo, đường. Đây đều là những thức ăn giàu năng lượng nhưng thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất, có thể khiến trẻ tăng cân nhưng thực tế thì cơ thể trẻ vẫn bị thiếu chất, gọi là suy dinh dưỡng thể ẩn”.
Phó giáo sư Lê Bạch Mai khuyến cáo, trẻ em đang trong độ tuổi phát triển do đó luôn cần có tốc độ tăng trưởng ổn định với sự đóng góp của nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Trẻ cần có cân nặng phù hợp, không nên chững cân, sụt cân, suy dinh dưỡng dù trong thời gian ngắn. Chững cân, sụt cân hay tăng cân bất thường là dấu hiệu cảnh báo của trẻ mà phụ huynh không thể chủ quan.
Do đó, làm sao giúp trẻ giữ được tốc độ tăng trưởng bình thường trước, trong và sau lễ Tết là điều rất quan trọng. Trẻ cần có chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối 4 nhóm dưỡng chất bao gồm: bột đường (cơm, cháo, các loại đậu, củ, hạt…), đạm (thịt cá, hải sản, đậu nành…), chất béo (mỡ, dầu thực vật…) và vitamin, khoáng chất (các loại rau xanh, trái cây, hải sản…).
Cần cố gắng duy trì các bữa ăn chính của trẻ không thay đổi quá nhiều so với ngày thường. Mỗi ngày trong dịp Tết nên có ít nhất một bữa cơm chính với đủ món mặn, canh, xào cho trẻ. Với các bữa ăn phụ, có thể cho trẻ thay đổi với những món có sẵn mà trẻ yêu thích, nhưng cần ăn đa dạng để đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Các nhóm thực phẩm cần khuyến khích trẻ dùng vào ngày Tết bao gồm: Thịt heo nạc, thịt gà, bò, cá, hải sản tươi sạch để cung cấp chất đạm cho trẻ; Trái cây, các loại sinh tố hoặc nước ép trái cây (như ổi, cam, cà chua, lê, dưa hấu, táo…) và các loại rau củ (như cải bó xôi, bắp cải, cà rốt, súp lơ, cải xoong…) giúp cung cấp chất xơ và vitamin cho trẻ; Sữa và sữa chua giúp trẻ tiêu hoá tốt, làm giảm các triệu chứng đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, có thể cho trẻ ăn 1-2 lần sữa chua mỗi ngày.
Đối với chất bột đường, trẻ có thể dùng cơm, cháo như ngày thường hoặc giảm bớt và thay bằng một miếng nhỏ bánh chưng, bánh tét. Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn bánh chưng, bánh tét chiên rán, không nên ăn vào buổi tối, không ăn kèm với các món giàu tinh bột và đạm khác, ngược lại nên ăn kèm với củ kiệu, dưa chua hay các loại rau. Ngoài ra trẻ béo phì cũng cần hạn chế ăn bánh chưng quá nhiều. Với các loại bánh ngọt hay mứt, ba mẹ có thể cho trẻ ăn bánh bông lan và mứt trái cây hay mứt củ quả sấy khô tự nhiên… Tuy vậy, chỉ nên cho trẻ ăn sau bữa chính để tránh tình trạng trẻ bị no ngang trước bữa chính.
Nếu gia đình tổ chức đi chơi xa, cần tìm hiểu trước nguồn thực phẩm tại nơi đến có quen thuộc với trẻ hay không. Nếu không, nên chuẩn bị trước để trẻ không phải ăn những món ăn quá khác biệt so với thường ngày khi ở nhà, vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ hoàn thiện để thích nghi nhanh. Ví dụ, với trẻ dưới 1 tuổi, khi đi chơi xa chỉ nên cho trẻ bú mẹ hoặc bú sữa công thức đang sử dụng. Với trẻ 1 đến 3 tuổi, chỉ nên uống sữa, ăn cháo, cơm và những món quen thuộc như đã từng ăn ở nhà. Với trẻ trên 3 tuổi, có thể cho trẻ ăn theo thực đơn quen thuộc cùng gia đình nhưng cần lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh thực phẩm cần dùng, ngày Tết có những thực phẩm cần hạn chế cho trẻ ăn như các loại bánh kẹo, nước ngọt, mứt, bánh snack, lạp xưởng, thức ăn cũ… Đây là những thực phẩm cung cấp năng lượng rỗng, thiếu vitamin và khoáng chất, ít chất xơ, chứa nhiều muối, đường và có thể không đảm bảo an toàn vệ sinh. Ngoài ra, cũng không nên cho trẻ ăn các loại hạt dưa, hạt bí, hướng dương… vì dễ gây sặc và hóc.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()