Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:19 (GMT +7)
Cảnh báo nguy cơ tai nạn lao động
Thứ 5, 02/05/2024 | 14:47:41 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, các cơ sở y tế trong tỉnh liên tiếp tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp nhập viện do tai nạn lao động. Chỉ cần một phút giây mất cảnh giác, tai nạn xảy ra mang theo bao đau đớn, hệ luỵ cho cả bản thân và gia đình.
Điển hình là cuối tháng 4/2024 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã kịp thời phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân N.V.H (39 tuổi, TX Quảng Yên) bị chấn thương dập nát cơ và bó mạch thần kinh cánh tay phải do tai nạn lao động khi làm việc tại TP Móng Cái. Trước nguy cơ bệnh nhân có thể bị cắt cụt cánh tay phải, thậm chí tử vong, ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Bãi Cháy đã nhanh chóng phối hợp, tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử trí tổn thương. Phẫu thuật viên đã khéo léo phẫu tích cắt bỏ đoạn động mạch cánh tay, cẳng tay bị dập nát, hoại tử; rạch da vùng đùi phải lấy tĩnh mạch hiển phải, sau đó xử lý và khâu nối động mạch cánh tay với động mạch quay, động mạch trụ bằng tĩnh mạch hiển đảo chiều; khâu nối cân cơ, cắt cơ hoại tử, cầm máu. Sau 3 giờ, ca phẫu thuật đã thành công, bàn tay của bệnh nhân hồng ấm, mạch quay bắt rõ, các ngón tay có cảm giác, cử động nhẹ.
Bác sĩ CKII Hoàng Văn Quyết, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Bệnh viện Bãi Cháy) là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, đánh giá: Bệnh nhân vào viện với tổn thương tắc động mạch cánh tay tiên lượng thường rất nặng, các triệu chứng trên lâm sàng mơ hồ, không rõ ràng vì cánh tay của bệnh nhân còn lành lặn chỉ biểu hiện dập nát trên da. Điều này đòi hỏi các bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm nhận định, chẩn đoán chính xác, đưa ra hướng xử trí phẫu thuật kịp thời. Thời gian là yếu tố then chốt quyết định sự sống, hồi phục của cánh tay. Vì vậy, phẫu thuật cấp cứu xử trí tổn thương, tái thông động mạch cánh tay phải diễn ra nhanh chóng để tránh nguy cơ hoại tử, phải cắt bỏ cánh tay.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng cố định xương, nối các dây thần kinh, mạch máu… vùng cổ chân cho bệnh nhân T.V.K (63 tuổi, TP Uông Bí) bị máy cắt cỏ chém vào vùng cổ chân. Ca phẫu thuật diễn ra trong hơn 3 giờ, kíp phẫu thuật với sự tham gia của các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Sau phẫu thuật và điều trị tại Bệnh viện, sức khỏe người bệnh ổn định, đã được xuất viện, vết mổ khô, đầu chi hồng ấm, các đầu ngón chân cử động nhẹ nhàng. Người bệnh sẽ được tái khám theo hẹn và tập phục hồi chức năng để phục hồi khả năng đi lại.
Hay trường hợp nam bệnh nhân Đ.V.B (71 tuổi, TX Quảng Yên) trong lúc bào gỗ bằng máy ở gia đình không may bị máy bào cắt vào tay. Người bệnh được đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng vết thương cụt nham nhở đốt 2, 3 ngón II, III, IV, V bàn tay phải. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành xử trí cắt lọc, làm sạch vết thương và phẫu thuật khâu nối gân, tạo mỏm cụt.
Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hoành, Trưởng khoa Phẫu thuật Can thiệp tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí), cho biết: Chúng tôi đã thực hiện phẫu thuật nối chi cho rất nhiều trường hợp, có cả những trường hợp chi đã đứt rời. Các trường hợp sau phẫu thuật được kết hợp phục hồi chức năng và có thể đi lại, vận động hoàn toàn bình thường.
Hằng năm, các bệnh viện đều tiếp nhận nhiều ca tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng do các vật sắc nhọn gây ra, như: Máy cắt cỏ, máy cắt vật liệu xây dựng, máy thái rau lợn, máy cày… Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng tổn thương rất nặng nề, như: Vết thương bẩn, rộng, bờ nham nhở, phức tạp; vết thương bị khuyết hổng, các tổ chức bị dập nát, đứt rời thậm trí cụt tay, cụt chân… Đồng thời, người bệnh có nguy cơ mắc các loại bệnh khác về nhiễm trùng, uốn ván, hoại tử… nếu không được chăm sóc vết thương cẩn thận.
Khi tai nạn xảy ra, không riêng người lao động chịu hậu quả mà còn kéo theo là gia đình, người thân bị tác động bởi họ thường là trụ cột, lao động chính trong gia đình. Để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt các bác sĩ khuyến cáo: Ngoài chủ động trang bị những kỹ năng cần thiết, khi phát hiện người bị tai nạn lao động, sinh hoạt, người xung quanh cần bình tĩnh, sơ cứu, băng bó vết thương. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để hạn chế tối đa tổn thương và giảm thiểu các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()