Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 16:15 (GMT +7)
Phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động
Thứ 4, 01/03/2023 | 06:03:35 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp với lượng lớn nhân công lao động, có nhiều ngành nghề nặng nhọc, độc hại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động (NLĐ); có nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ), đảm bảo điều kiện và môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong quá trình sản xuất, thời gian qua, các đơn vị, nhất là các đơn vị sản xuất kinh doanh: Than, xây dựng, nhiệt điện, cơ khí… đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất. Trong đó, chú trọng quán triệt, phổ biến, thực hiện nghiêm các chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường chấn chỉnh công tác đảm bảo ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất kinh doanh than trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã chú trọng công tác huấn luyện ATVSLĐ, biện pháp thi công, phương án ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn… cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý các cấp và NLĐ; nâng cao ý thức, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ để NLĐ nắm rõ các tình huống sự cố có thể xảy ra trong quá trình làm việc để chủ động phòng tránh.
Cùng với đó, hằng năm, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức phát động "Tháng cao điểm về ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ". Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, hành động của các cấp ngành, cộng đồng về thực hiện các quy định của Luật ATVSLĐ, Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản quy phạm liên quan; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác ATVSLĐ-PCCN tại cơ sở. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cháy nổ, TNLĐ…
Được xác định là ngành nghề nặng nhọc, có số lượng lớn công nhân lao động, thời gian qua, các đơn vị ngành than thường xuyên tự kiểm tra, rà soát, đánh giá kịp thời các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong sản xuất để chủ động các biện pháp phòng ngừa. Trong đó, các đơn vị quan tâm dự báo các nguy cơ TNLĐ có thể xảy ra, đặc biệt lưu ý các nguy cơ về cháy nổ khí, bục nước, bục bùn, khoan nổ mìn, sập đổ lò trên diện rộng, điện giật; công tác quản lý, sử dụng thiết bị cơ điện vận tải, các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đồng thời, chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý kỹ thuật an toàn, chú trọng xây dựng đảm bảo chất lượng hồ sơ thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công, quy trình công nghệ, biện pháp an toàn; đánh giá, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ năng lực quản lý, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tay nghề công nhân để hoàn toàn làm chủ về công nghệ.
Các đơn vị nghiêm túc tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm sâu sắc nguyên nhân vụ TNLĐ đã xảy ra trong toàn ngành để có biện pháp chỉ đạo phòng ngừa. Đồng thời, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo an toàn cũng như công tác chăm sóc sức khỏe, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại cho NLĐ… Ngoài ra, nhiều đơn vị sản xuất than cũng chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và đào lò, tự động hóa và tin học hóa trong các dây chuyền sản xuất; kiện toàn bộ máy làm công tác an toàn và hướng dẫn kỹ năng khi đi lại làm việc, kiểm soát lẫn nhau trong hầm lò.
Mặc dù vậy, thời gian gần đây, số vụ TNLĐ làm chết và bị thương nhiều người vẫn xảy ra trên địa bàn, nhất là những vụ liên quan đến cháy nổ, nhiễm khí độc khi làm việc trong không gian hạn chế; trong khai thác than hầm lò. Điển hình: Vụ TNLĐ ngạt khí độc (ngày 4/4/2022) tại Trạm bơm bước thải sinh hoạt PS5, khu công viên Lán Bè (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) khiến 1 công nhân thiệt mạng và 3 công nhân bị thương, thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long; TNLĐ do nổ mìn (ngày 29/9/2022) thuộc Phân xưởng Khai thác đào lò 13, Công ty Than Nam Mẫu - TKV khiến 2 công nhân thiệt mạng và 1 công nhân bị thương; TNLĐ do sự cố cháy, nổ tại Công ty CP Nosco Shipyard (ngày 2/2/2023) làm 8 công nhân bị thương…
Để chủ động phòng ngừa TNLĐ, mới đây UBND tỉnh có văn bản số 286/UBND-VX2 (ngày 16/2/2023) về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa và hạn chế TNLĐ. Theo đó, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, thanh, kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý triển khai đầy đủ các quy định về công tác ATVSLĐ, nhất là các lĩnh vực có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, như: Khai thác khoáng sản, sản xuất điện, vật liệu xây dựng, thi công xây dựng, sửa chữa, đóng tàu...
Các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ, trong đó chú trọng thành lập bộ máy làm công tác ATVSLĐ; phân định rõ trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ đối với người sử dụng lao động, các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất và bố trí NLĐ làm việc phải được đào tạo, huấn luyện nội quy, quy trình, biện pháp thi công, an toàn lao động và trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, đảm bảo sức khoẻ. Ngoài ra, các đơn vị cần tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ cho các ngành nghề, công việc hiện có trong doanh nghiệp. Việc đánh giá phải thực hiện định kỳ, nhất là đánh giá bổ sung khi thay đổi về nguyên vật liệu, công nghệ, tổ chức sản xuất và khi có sự cố xảy ra.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()