Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 01:03 (GMT +7)
Cảnh báo từ các lò đốt rác thải cỡ nhỏ
Thứ 3, 21/06/2016 | 15:25:53 [GMT +7] A A
Hiện nay, ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đang ở mức báo động, trở thành nỗi bức xúc của người dân, xã hội. Để xử lý tình trạng ô nhiễm này, nhiều địa phương đã chọn giải pháp đầu tư lò đốt rác thải cỡ nhỏ (mini). Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, giải pháp này tuy đạt được lợi ích trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ để lại hậu quả khó lường.
Một lò đốt rác thải cỡ nhỏ đang được xây tại thôn Mới (xã Lương Mông). Ảnh: Thuỳ Loan (Đài Ba Chẽ) |
Xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) là một địa phương có nhiều lò đốt rác thải mini (5/15 lò đốt rác cả huyện). Hầu hết các lò được xây bằng gạch đỏ, cao 1,5m, rộng 1,2m. Phía trong, cách 1/3 chiều cao thân lò được gắn những thanh sắt phi 8 đan vào nhau, giống như bếp than tổ ong, để đổ rác bên trên. Phía dưới có 3 cửa thông gió, mỗi cửa rộng 30cm2. Phía trên có 3 cửa đổ rác, mỗi cửa rộng 40cm2, mái được xây chờm ra ngoài để che nước mưa hắt vào cửa đổ rác. Trên cùng của mái xây cửa thông khói hình chóp. Mỗi lò xây hết từ 1,4-1,6 triệu đồng tiền nguyên vật liệu. Việc xây dựng các lò đốt do các ĐVTN tình nguyện giúp công.
Không chỉ ở Vân Đồn mà nhiều địa phương khác như Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà đều xây dựng các lò đốt rác thải cỡ nhỏ. Có thể thấy, việc xây dựng lò đốt rác thải cỡ nhỏ bước đầu góp phần hoàn thành tiêu chí “đẹp”của xã trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, công nghệ của các lò đốt rác này còn rất thô sơ, việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí. Nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo: Do hạn chế vốn đầu tư, việc hạ nhiệt độ của các lò đốt cỡ nhỏ không kiểm soát được tốt, không có bộ phận hấp phụ nên nguy cơ phát thải dioxin không chủ ý rất cao. Việc khí thải có chứa dioxin, nước thải nhiễm dioxin xả trực tiếp ra môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người và các loài sinh vật, nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước...
Trước thực trạng trên, Sở TN&MT đã tiến hành rà soát hoạt động sử dụng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động tại huyện Ba Chẽ và TP Uông Bí đều có công suất trên 300kg/h. Các lò đốt đều được các đơn vị vận hành thực hiện quan trắc chất lượng ống khói, các kết quả phân tích chất lượng khí thải đều trong giới hạn cho phép của QCVN hiện hành. Bên cạnh đó còn có 6 lò đốt chất thải rắn đang trong quá trình đầu tư xây dựng; trong đó có 4 lò có công suất trên 300kg/h và 2 lò có công suất dưới 300kg/h. Ngoài ra, còn rất nhiều lò dưới 300kg/h quy mô cụm, hộ gia đình đang hoạt động ở khu vực các xã miền núi có mật độ dân cư không nhiều. Sở TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương Hoành Bồ, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà thông báo tới các xã đang có lò đốt rác không đạt tiêu chuẩn dừng hoạt động đốt rác, bố trí các phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt phát sinh tại các xã này đưa đi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với các địa phương đang thực hiện đầu tư các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt thực hiện rà soát các thông số kỹ thuật đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn của Bộ TN&MT.
Việc sử dụng các lò đốt rác thải cỡ nhỏ là một giải pháp tình thế khá hiệu quả, đặc biệt đối với vấn đề chất thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Song các cơ quan, ban, ngành chức năng cũng cần nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc về việc đầu tư lò đốt một cách hiệu quả nhất, trong đó phải tính đến phạm vi, quy mô, địa điểm, thời gian giảm dần và bao giờ kết thúc, nhằm tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, trong khi việc giải quyết những hậu quả môi trường thường rất gian nan.
Trang Thu
Liên kết website
Ý kiến ()