Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 13:51 (GMT +7)
Cảnh giác với cúm A (H7N9)
Thứ 7, 06/04/2013 | 05:50:51 [GMT +7] A A
Những ngày gần đây, thông tin về việc xuất hiện một số trường hợp ở Trung Quốc nhiễm cúm A (H7N9) - một loại chủng cúm mới có khả năng gây tử vong cao - đã khiến dư luận ở trong và ngoài nước lo lắng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 31-3, tại TP Thượng Hải và tỉnh An Huy (Trung Quốc), đã phát hiện 3 người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm (cúm A - H7N9). Đây là những ca bệnh đầu tiên trên thế giới nhiễm chủng cúm này, trong đó đã có 2 ca tử vong.
Trước sự xuất hiện của chủng cúm gia cầm mới, nguy hiểm, đặc biệt là hiện tại ở trên thế giới chưa sản xuất được vắc-xin cúm gia cầm chủng H7N9, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc với mọi hình thức. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh này. Cụ thể là tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Đẩy mạnh hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Điều tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời để hạn chế lây lan. Triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý kịp thời đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh...
Trên địa bàn Quảng Ninh, cùng thời điểm này đã phát hiện dịch cúm gia cầm tại TX Quảng Yên. Trong đó tại hai gia đình ở phường Đông Mai và Minh Thành đã có hiện tượng gia cầm chết hàng loạt. Ngay sau khi có kết luận của ngành chức năng số gia cầm đó mắc dịch, TX Quảng Yên đã chỉ đạo tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm nhiễm bệnh của hai hộ. Đồng thời chỉ đạo các phường, xã và cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra, giám sát, phòng chống dịch cúm gia cầm. Những địa bàn có dịch và vùng giáp ranh khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng, áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, không để lây lan ra diện rộng...
Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu, điểm thông quan, lối mòn, vì vậy nguy cơ xâm nhập chủng cúm mới vào là rất cao. Nó có thể theo gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu vào và cũng có thể theo vào qua những người nhập cảnh, khách du lịch. Trong khi đó trên địa bàn lại đã xuất hiện dịch cúm gia cầm. Bởi vậy từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các hình thức, biện pháp phòng chống, ngăn chặn phải được đặt ở mức độ cao, khẩn cấp. Trong thời điểm này, việc ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm phải được thực hiện một cách kiên quyết, triệt để, hiệu quả; không được phép chủ quan, lơ là để gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lọt vào nội địa. Công tác kiểm dịch y tế, thú y tại các cửa khẩu phải được tăng cường hơn, đảm bảo chặt chẽ để ngăn chặn kịp thời các mầm bệnh ngay từ biên giới. Cùng với đó, mọi người dân cần nâng cao cảnh giác trong việc ngăn chặn, phòng chống dịch; không sử dụng gia cầm bị bệnh, không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Và để ngăn chặn, phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn tỉnh, ngày 3-4, UBND tỉnh cũng đã có Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các thành viên BCĐ phòng, chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh với những nội dung chỉ đạo cụ thể...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()