Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 20:23 (GMT +7)
Câu lạc bộ thợ mỏ thu nhập cao
Thứ 6, 03/03/2023 | 15:59:52 [GMT +7] A A
Nghề mỏ là nghề nặng nhọc, vất vả, nhưng ở Quảng Ninh đây là công việc mang lại thu nhập cao so với mặt bằng thu nhập khối các ngành công nghiệp. Những năm gần đây, câu lạc bộ thợ mỏ thu nhập cao từ 300-400 triệu đồng/năm ngày một phổ biến ở các mỏ hầm lò của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Theo nghề mỏ, rất nhiều lao động đã thật sự đổi đời, có kinh tế vững vàng, xây được nhà mới, sắm sửa nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống. Với TKV và các mỏ, đây cũng chính là tài sản quý, là nguồn nhân lực chất lượng cao, những người đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh và bền vững của TKV.
Cáo Văn Xanh sinh năm 1990 trong một gia đình rất khó khăn tại huyện vùng cao Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Nhà đông anh chị em, công việc chăn nuôi và trồng trọt ở trên triền núi đá chẳng cho thu nhập là bao, cả gia đình loanh quanh cảnh bữa no bữa đói. Cuộc sống khốn khó đã thôi thúc người thanh niên này tìm kiếm một công việc ổn định để có thu nhập lo cho gia đình. Nghề mỏ đã đến với anh như một cơ duyên vào lúc đó.
Sau khi học nghề tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Cáo Văn Xanh được nhận vào làm việc tại Công ty Xây lắp mỏ - TKV và trở thành thợ lò. Từ một thanh niên nghèo vùng cao, nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật, nâng cao tay nghề, Cáo Văn Xanh đã trụ được với nghề.
Về thăm miền quê xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc của Cáo Văn Xanh, một ngôi nhà mới đã được dựng lên, khang trang, đẹp đẽ như phần thưởng xứng đáng dành cho người thợ lò chăm chỉ nơi Đất mỏ. Thợ lò Cáo Văn Xanh chia sẻ: "Làm thợ lò từ năm 2018, giờ đây thu nhập của tôi từ 20-25 triệu đồng/tháng, tôi đã xây được nhà mới rộng hơn 100m2, có đổ sàn". Thành quả ngày hôm nay cũng chính là niềm tự hào của anh Xanh khi đã chọn đúng con đường lập nghiệp để đổi đời.
Đến Công ty Than Quang Hanh, nhắc đến Thào A Bái, rất nhiều công nhân và cả lãnh đạo phân xưởng, lãnh đạo công ty biết đến anh. Vì đây là một người thợ lò đặc biệt, người đã trải qua hành trình từ khó khăn, gian khổ nơi quê nhà để trở thành một thợ lò giỏi, thu nhập cao nhất, nhì đơn vị ở Đất mỏ Quảng Ninh.
Thào A Bái là người huyện Đầm Chấu, tỉnh Yên Bái. Cũng như hàng nghìn thanh niên thoát ly vùng quê nghèo khó xuống Quảng Ninh tìm kiếm việc làm, Thào A Bái chọn nghề mỏ. Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, Bái chia sẻ rằng, anh đã bị hấp dẫn từ câu chuyện về nghề mỏ của một người đồng hương. Với mong muốn thoát cảnh nghèo, Bái đã nhanh chóng đưa ra quyết định thử sức với công việc “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Từ đó, anh trở thành thợ lò của Phân xưởng Khai thác 5, Công ty Than Quang Hanh - TKV.
Thào A Bái nhớ lại: "Vừa chân ướt chân ráo vào nghề, tôi đã may mắn được phân công về phân xưởng khai thác than lò chợ áp dụng công nghệ giá khung phân thể ZH. Đây là công nghệ chống giữ hiện đại, an toàn, lò chợ khai thác năng suất cao, công nhân làm việc bớt nặng nhọc. Tôi đã rất chăm chỉ lao động với mong muốn có thu nhập tốt. Giờ đây, mỗi tháng tôi kiếm được bình quân 25 triệu đồng.
Ở Công ty Than Quang Hanh, người có thu nhập trung bình 15-20 triệu đồng/tháng rất phổ biến. Tính cả thưởng một năm, tổng thu nhập lên tới 250-300 triệu đồng/người không phải chuyện khó. Với Thào A Bái chỉ cần chăm chỉ đi làm đủ công, tích cực lao động và biết phân bổ chi tiêu hợp lý, mỗi năm có thể tiết kiệm được ít nhất 100 triệu đồng. Nếu cứ ở quê nghèo Đầm Chấu, Yên Bái, chẳng biết đến bao giờ anh mới có được khoản tiền này.
"Công ty có gần 30% công nhân là anh em vùng cao, vùng xa. Về cơ bản các em, các cháu chịu khó, có sức khoẻ tốt đáp ứng công việc. Như ở Phân xưởng Khai thác 5 có vài đồng chí rất khá, chịu khó như đồng chí Thào A Bái, ngày công cao, tinh thần làm việc tốt. Mặc dù có thể khác biệt về văn hóa vùng miền nhưng khi xuống đây thì trách nhiệm của những người thủ trưởng, những người cán bộ là phải đào tạo, tuyên truyền hướng dẫn các công nhân này" - ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Giám đốc Công ty, cho biết.
Câu chuyện về những người thợ lò như anh Cáo Văn Xanh quê Hà Giang, anh Thào A Bái quê Yên Bái cũng là câu chuyện của hàng nghìn thanh niên đã thoát ly quê hương để chọn Quảng Ninh làm nơi lập nghiệp, chọn nghề thợ lò để gắn bó. Công việc dẫu rất nặng nhọc, ca kíp thường xuyên, sinh hoạt bị xáo trộn, sức khỏe cũng sẽ phải đánh đổi; nhưng nghề thợ lò đã mang lại cho họ rất nhiều thứ, đáng nói nhất là kinh tế. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ khai thác mỏ, danh sách những thợ lò có thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm và cao hơn thế ngày một nối dài hơn.
Thống kê của TKV tại 14 đơn vị khai thác than hầm lò, năm 2018, số thợ lò có mức thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên là hơn 700 người, thì năm 2019 đã tăng lên thành hơn 2.600 người. Đến năm 2021 và 2022, con số này tiếp tục tăng lên từ 3.000-3.500 người/năm. Đứng đầu trong các công ty khai thác than có số thợ lò đạt thu nhập cao là Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Mạo Khê… Điển hình, một số công nhân thu nhập 500 triệu đồng/năm, tương đương với bình quân thu nhập 41 triệu đồng/tháng.
Vài năm gần đây, về những miền quê của thợ lò ngành than sẽ gặp rất nhiều ngôi nhà mới xây. Nhiều căn nhà khang trang, cao tầng, nổi bật hẳn ở những vùng quê nghèo như niềm kiêu hãnh của chủ nhà cũng chính là những người thợ lò đang làm việc tại các công ty than ở Vùng mỏ Quảng Ninh.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()