Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 07:01 (GMT +7)
Cây xăng khan hàng, Bộ nói đủ: Thị trường xăng dầu đang lệch pha
Thứ 7, 10/09/2022 | 08:52:13 [GMT +7] A A
Những diễn biến trên thị trường xăng dầu suốt một tháng qua cho thấy việc các cây xăng khan hàng là có thật, nhưng báo cáo của Bộ Công Thương cho rằng nguồn cung đủ.
Không dễ đổ xăng dầu
Chiều 7/9, chị Thu Dung (Xuân Hòa, Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đi xe máy đến loạt cây xăng trên địa bàn đều không thể đổ được một lít xăng nào. Phản ánh đến VietNamNet, chị Dung nói: Có cây xăng thì ghi mất điện nên nghỉ bán. Có cây xăng chỉ bán dầu không bán xăng.
Đến ngày 8/9, chị Dung cho biết một cây xăng vẫn chưa bán hàng trở lại, còn một cây xăng thì đã mở cửa bình thường.
Sau kỳ điều hành ngày 5/9, chủ một cây xăng nói với PV rằng xăng E5 nhập dễ dàng hơn nhưng xăng RON95 vẫn còn khan hiếm. Giá nhập vào chiết khấu 0 đồng còn dầu diesel chiết khấu âm 200 đồng. Với mức chiết khấu này, các cây xăng tiếp tục lỗ nặng.
Đến ngày 8/9, nhiều chủ cửa hàng cũng tiếp tục phản ánh gặp phải tình trạng này, chiết khấu các mặt hàng xăng dầu vẫn ở mức 0 đồng.
Thế nhưng sang ngày 9/9, khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới lao dốc, thì chiết khấu với mặt hàng xăng tăng lên 200-300 đồng/lít, còn dầu diesel chiết khấu vọt lên 800-900 đồng/lít. Việc nhập hàng của các cây xăng cũng dễ dàng hơn. Điều này đặt ra vấn đề: Phải chăng lo ngại giá xăng dầu vào kỳ điều hành tới đây 12/9 giảm nên các 'tay to' bắt đầu xả hàng.
Trường hợp cây xăng ‘lúc bán lúc nghỉ’ như trên thời gian qua không phải là ít. Ngay cả đoàn công tác của Tổng cục Quản lý thị trường khi đi kiểm tra các cửa hàng xăng dầu ở một loạt tỉnh thành cũng thừa nhận có tình trạng cây xăng tạm hết xăng dầu. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của những đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý thị trường thì đó chỉ là tình trạng ‘nhất thời’, ‘cục bộ’.
Theo ghi nhận của các đoàn công tác của lực lượng quản lý thị trường, các cửa hàng xăng dầu “cơ bản hoạt động bình thường không có trường hợp đóng cửa ngưng bán hàng, cắt giảm thời gian, số lượng bán hàng”. Nhưng đoàn cũng thừa nhận “một số cửa hàng bị gián đoạn nguồn cung ở một vài thời điểm, ngay sau đó, các cơ sở đã nhập bổ sung khối lượng để đảm bảo việc cung cấp hàng ra thị trường, giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng đến nhu đi lại của người dân”.
Những đánh giá của cơ quan quản lý thị trường có độ lệch pha nhất định với những gì nhiều chủ cây xăng và người tiêu dùng phản ánh đến VietNamNet. Ngay tại Hà Nội, tình trạng này cũng vẫn diễn ra. Có thời điểm, cây xăng ở đường Nguyễn Đình Chiểu tạm dừng bán hàng, nhiều người tranh thủ mang hàng can xăng đứng ngay trước cửa hàng xăng này để bán cho ai có nhu cầu.
Những diễn biến trên thị trường xăng dầu suốt 1 tháng qua cho thấy, tình trạng khan hàng tại các cây xăng là có thật. Việc càng bán càng lỗ cũng có thật. Đáng lưu ý, nếu giá xăng dầu vào kỳ điều hành được dự báo tăng, thì lập tức việc khan hàng trầm trọng hơn. Còn khi giá dự báo giảm thì nguồn cung lại ổn định hơn. Vậy nên nghi vấn có hiện tượng 'găm hàng' không phải không có lý.
Ai găm hàng?
Chuỗi cung ứng xăng dầu hiện tại có thể khái quát theo thứ tự như sau:
1. Đầu mối xuất nhập khẩu (có quyền nhập, xuất, mua hàng tại các nhà máy lọc dầu, bán hàng cho các đại lý, tổng đại lý, thương nhân phân phối)
2. Thương nhân phân phối trung gian (có quyền mua hàng từ nhiều đầu mối, có quyền bán hàng cho nhiều đại lý, nhiều tổng đại lý)
3. Tổng đại lý (có quyền bán hàng cho các đại lý, chỉ được mua hàng từ 1 đầu mối, hoặc 1 thương nhân phân phối)
4. Đại lý bán lẻ (chỉ có quyền mua hàng từ 1 tổng đại lý, 1 thương nhân phân phối hoặc 1 đầu mối)
Các cuộc kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường hầu hết ghi nhận việc thiếu hàng của các cây xăng do không nhập được hàng từ các đầu mối. Khi các chủ cây xăng khó nhập xăng dầu, thì cần "truy" đến vai trò của đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối. Bởi lẽ, các báo cáo của Bộ Công Thương đều dẫn số liệu cho thấy nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu. Trong đó, cần tập trung vào vai trò và trách nhiệm của các thương nhân phân phối trung gian - đối tượng quan trọng song ít khi được đề cập tới.
Nhìn số lượng vài trăm thương nhân phân phối như hiện nay, ông chủ một DN xăng dầu tư nhân chia sẻ: "Tôi đang rất phân vân chỗ khâu thương nhân phân phối mọc lên như nấm. Bản chất thương nhân phân phối luôn có mối quan hệ rất mạnh với các đầu mối. Liệu ở một chiều hướng nào đó, các thương nhân phân phối có thể được sử dụng là nơi để ‘găm hàng, trục lợi’ hay không?".
“Tại sao lại sinh ra một khâu trung gian như thương nhân phân phối? Nó giúp ích gì cho chuỗi cung ứng, cho thị trường? Đầu mối có thể ký trực tiếp với đại lý, tại sao phải bán cho thương nhân phân phối rồi thương nhân phân phối bán cho đại lý? Điều này rất vô lý. Trong khi đó, thương nhân phân phối có nhiều quyền lợi hơn tổng đại lý, đại lý nhưng lại ít trách nhiệm ràng buộc so với đầu mối”, chủ DN này băn khoăn.
Vào thời điểm Bộ Công Thương lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 83, cũng có ý kiến đề xuất bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu được quy định tại Nghị định này. Bởi đây là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu. Loại hình thương nhân này chỉ mua đi từ các đầu mối và bán lại cho các đại lý.
Nhìn chung, thị trường xăng dầu đang trải qua những ngày không hề ‘êm ả’ như các báo cáo của cơ quan quản lý. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần nghiên cứu thay đổi cách tính giá cơ sở, cách thức điều hành xăng dầu lúc này thì mới mong thị trường không ‘loạn nhịp’.
Theo Vtc
Liên kết website
Ý kiến ()