Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:59 (GMT +7)
"Cha ông chúng ta đã sớm có cái nhìn hướng ra biển..."
Chủ nhật, 04/02/2024 | 14:32:26 [GMT +7] A A
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, mùa xuân năm Kỷ Tỵ 1149, khi thuyền buôn nước ngoài xin vào vùng biển Hải Đông buôn bán, vua Lý Anh Tông cho lập trang Vân Đồn ở nơi hải đảo để làm nơi buôn bán, dâng tiến sản vật địa phương. Với tầm nhìn hướng biển của mình, nhà Lý đã khai mở ra một thời kỳ giao thương quốc tế, giao lưu văn hoá góp phần vào sự phát triển chung của quốc gia Đại Việt. Nhân dịp xuân mới Giáp Thìn 2024, nhìn lại câu chuyện lịch sử của 875 mùa xuân về trước, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, Viện Sử học, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, về vấn đề này.
Mở đầu câu chuyện, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi chia sẻ: Thương cảng Vân Đồn được nhà Lý khai mở vào năm 1149. Nhà Lý đã nhận thấy tầm quan trọng của vùng biển Đông Bắc nên vua Lý Anh Tông đã cho lập trang Vân Đồn để vừa phát triển giao thương vừa bảo vệ vùng biển. Từ đó, Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế quan trọng của Đại Việt khi mà các thương cảng vùng Thanh Hoá, Nghệ An ngày càng bị bồi đắp nông cạn, không đủ điều kiện cho tàu thuyền cập bến. Vua Lý Anh Tông đã sớm có cái nhìn hướng biển và Vân Đồn thời Lý đã phát huy vai trò trong các thế kỷ về sau.
Do có vị trí gần Khâm Châu và Liêm Châu của Trung Quốc nên đường thủy qua Vân Đồn rất là thuận tiện. Ở đây, có các đảo đá tự nhiên dày đặc chạy suốt ven biển kín gió thuận tiện cho tàu thuyền qua lại và neo đậu. Thực tế thì từ những thế kỷ trước Công nguyên, người Việt và người Hán đều đã chọn con đường thủy ven vịnh này làm đường đi lại giữa phương Bắc và phương Nam. Đây cũng chính là con đường quân xâm lược phương Bắc sử dụng để tiến vào Việt Nam. Đồng thời, đây cũng chính là tuyến giao thương giữa người phương Bắc và người Việt.
- Thưa bà, vì sao có thể nói sang đến thời nhà Trần, Thương cảng Vân Đồn đã phát triển rất phồn thịnh?
+ Sau chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba (năm 1288), chiến tranh kết thúc, thương cảng tiếp tục phát triển và nhộn nhịp hơn. Thời Trần là thời kỳ phồn vinh của thương cảng. Quy mô thương cảng có nhiều bến thuyền hoạt động giao thương diễn ra đồng thời ở nhiều địa điểm ở Quảng Ninh (khi đó là Hải Đông). Tư liệu khảo cổ học đã minh chứng sự phồn thịnh của thương cảng. Qua kết quả khảo sát của các nhà khoa học đã phát hiện một hệ thống bến thuyền cổ trong vịnh Bái Tử Long như: Bến Cái Làng, bến Cống Cái, bến Con Quy, đảo Ngọc Vừng, đảo Cống Đông. Đi vào đất liền có bến Gạo Rang ở vịnh Cửa Lục. Đi lên phía Bắc có bến Vạn Ninh ở Móng Cái.
- Bà có thể cho biết một số dẫn chứng cụ thể?
+ Như trên tôi nói, tại những nơi này đã phát hiện được những mảnh gốm vỡ các loại phần lớn là đồ gốm men ngọc thời Lý, thời Trần và men lam thời Lê được xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, một số đồ gốm có chất lượng cao của Việt Nam cũng đang được lưu giữ tại Nhật Bản, Singapore, Malayxia, Anh, Mỹ. Dọc hai bên bờ đảo Cống Đông, Cống Tây có nhiều dấu tích nền nhà cổ, một số nền chùa được xây dựng từ thời Trần và dấu tích hai cầu cảng cổ. Trên đảo Cống Tây có rất nhiều mảnh gốm sứ, một số ít gốm Trung Quốc nhiều nhất là gốm Việt Nam men nâu thời Trần, gốm men trắng hoa lam của lò gốm Chu Đậu.
Bến Cái Làng trên đảo Vân Hải chỉ ở bờ vụng dài độ 200m đã chất hàng triệu mảnh sành sứ niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVII. Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản cũng đã khai quật phát hiện được hàng ngàn mảnh hiện vật là vật kiến trúc thời Trần, mảnh sành sứ, đồ đất nung. Tại Cái Làng cũng có dấu tích nền nhà cổ mặt trước nhìn ra biển. Những nền nhà được xếp thành hàng dài ven bờ vụng dấu tích của những con phố dài đông đúc dân cư. Quanh các nền nhà đã tìm thấy các hũ sành đựng nhiều tiền cổ thời Đường đến thời nhà Thanh của Trung Quốc, tiền thời Lý đến thời Nguyễn của Việt Nam thể hiện hoạt động giao thương từng diễn ra rất sôi nổi ở nơi đây.
- Sự buôn bán giao thương quốc tế ấy có tác động gì đến văn hóa Đại Việt, thưa bà?
+ Sử cũ chép dân Vân Đồn thời đó chủ yếu làm nghề buôn bán. Khách buôn Trung Quốc sang Vân Đồn khá nhiều nên người Vân Đồn bị ảnh hưởng bởi cách ăn cách mặc. Để ngăn phòng điều đó, Phó tướng Trần Khánh Dư - người được giao trấn giữ Vân Đồn đã lệnh cho dân không được đội nón phương Bắc mà phải đội nón Ma Lôi do hương Ma Lôi ở Hồng Lộ (thuộc Hải Dương ngày nay - PV) làm ra. Ai làm trái không dùng sẽ bị phạt nặng. Phó tướng Trần Khánh Dư nhờ có tài kinh doanh nên đã bán rất nhanh, nón Ma Lôi với số lượng hàng ngàn chiếc khiến cho khách buôn phương Bắc cũng phải kinh sợ.
- Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XIV, có vẻ như hoạt động thương mại quốc tế trái ngược với tình hình kinh tế - xã hội?
+ Trong khi hoạt động của Thương cảng Vân Đồn ngày càng nhộn nhịp thì ngược lại tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia Đại Việt lại có nhiều biến động. Từ năm 1343 trở đi, triều đình phải lo lắng và dồn sức vào dẹp nhiều trộm cướp và sự nổi dậy của dân chúng do đói kém. Từ năm 1343-1400, có 8 cuộc nổi dậy của nhân dân mà sử cũ chép là giặc cướp. Trong khi tình hình xã hội phức tạp thì tình hình kinh tế quốc gia rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nhân dân đói kém, quốc khố trống rỗng. Triều đình không còn khả năng phát chẩn cho dân phải kêu gọi sự hỗ trợ của nhà giàu. Từ năm 1357 trở đi, các vua nhà Trần không phát huy khả năng của mình trong việc điều hành đất nước. Ở phía Nam thì quân Chiêm Thành nhiều lần quấy nhiễu, đem quân xâm phạm Đại Việt. Ở phía Bắc lại có loạn bên Trung Quốc với sự nổi lên của nhà Minh, vua Trần phải xuống chiếu cho quan quân các dân tộc miền núi trấn giữ biên phòng. Tất cả những diễn biến phức tạp nêu trên đã cản trở mạnh mẽ giao thương quốc tế ở giai đoạn cuối thời Trần.
- Như bà vừa chia sẻ bên trên, có nghĩa là xã hội đã xuất hiện một tầng lớp thương nhân rất giàu có, ngoài đội ngũ quý tộc giỏi buôn bán như Trần Khánh Dư?
+ Trong khi quốc khố trống rỗng thì một bộ phận dân chúng giàu lên. Những lúc cần thực hiện an sinh xã hội cấp chẩn cho dân, nhà nước phong kiến đã hết khả năng và phải kêu gọi sự giúp đỡ của nhà giàu. Mặc dù tầng lớp nhà giàu không được quốc sử viết nhiều nhưng họ đã tồn tại như một thế lực nên nhà nước phong kiến có lúc cũng phải nhờ cậy đến tài sản của họ. Tư liệu văn bia còn cho biết có rất nhiều người đã cúng ruộng vào chùa. Thậm chí tầng lớp nhà giàu đã làm thay đổi chế độ hôn nhân nội tộc của nhà Trần như trường hợp vua Trần Minh Tông gả công chúa Nguyệt Sơn cho Ngô Dẫn. Sử sách ghi lại rằng, trong số các mặt hàng quý hiếm được bán ở Vân Đồn thì có cả loại ngọc rết - một loại ngọc rất quý hiếm được coi là vật lạ. Người mua được viên ngọc này là cha của Ngô Dẫn, một thương nhân rất giàu có. Việc này chứng tỏ đã có rất nhiều thuyền buôn các nước đến Vân Đồn. Và các thương gia đến Vân Đồn buôn bán đều thuộc loại rất giàu có.
- Theo bà, đâu là nguyên nhân dù cho thương mại quốc tế sầm uất nhưng vẫn không cứu vãn nổi nền kinh tế thời Trần?
+ Phải khẳng định rằng, Đại Việt là quốc gia có nguồn sản phẩm xuất khẩu lớn, lại ở vào vị trí địa lý rất thuận lợi nên có khả năng tham gia tích cực vào hệ thống thương mại quốc tế phồn thịnh và nhộn nhịp. Nhà Trần có chính sách khuyến khích phát triển giao thương nhưng đáng tiếc rằng nhà nước lại không đánh thuế các thuyền buôn nước ngoài. Trong khi ở vùng biển Đông Bắc hoạt động của thương cảng rất sôi động nhưng các thương nhân không được phép vào đất liền mà chỉ được dừng lại ở các vùng nhà Trần đã quy định sẵn nên đã hạn chế giao lưu buôn bán giữa Vân Đồn với các vùng miền khác trong nước. Vì thế, có thể nói, dù hoạt động giao thương quốc tế ở thương cảng rất sôi động nhưng đã không đủ sức níu kéo sự suy thoái của nền kinh tế quốc gia cũng như những diễn biến phức tạp của xã hội đương thời.
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
- Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân
- Xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội; thành trì bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
- Bộ đội biên phòng Cô Tô giữ vững chủ quyền biển đảo
- Bộ đội Biên phòng tỉnh: Khai thác, làm chủ có hiệu quả tàu thuyền, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo
- “Vùng biển đảo Đông Bắc có ý nghĩa chiến lược với Đại Việt”
- Các nhà khoa học cảnh báo chúng ta phải giảm triệt để lượng nhựa nguyên sinh trước năm 2025
- Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo
Liên kết website
Ý kiến ()