Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:03 (GMT +7)
Chăm lo cho người dân biên cương
Thứ 7, 22/07/2023 | 11:00:00 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là địa phương có đường biên giới trải dài với đông người dân sinh sống. Do đó, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chăm lo cho cuộc sống của người dân các xã, phường biên giới, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Những năm qua, Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nguồn lực phát triển KT-XH khu vực biên giới. Trong đó, tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, từ đó, đã tạo điều kiện cho người dân ở vùng biên giới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên làm giàu.
Giống như nhiều hộ dân khác ở xã biên giới Quảng Đức của huyện Hải Hà, gia đình anh Tằng Xuân Bính (bản Mốc 13) từng là hộ nghèo. Năm 2019, anh Bính được Ngân hàng CSXH huyện Hải Hà tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng chương tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi bò. Nhờ nguồn vốn được vay cùng sự cần cù, chăm chỉ, đến nay gia đình anh Bính đã thoát được nghèo, thu nhập cải thiện, cuộc sống ổn định.
Anh Bính cho biết: Từ nguồn vốn được vay, tôi đã mua 2 con bò giống để chăn nuôi. Đến nay đàn bò của gia đình đã lên tới cả chục con. Mô hình chăn nuôi bò rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây và đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập ổn định.
Không riêng anh Bính, đến nay nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ hết 12/12 thôn, bản của xã Quảng Đức. Dư nợ của Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã đạt 20,5 tỷ đồng, với gần 400 hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Bằng nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã phối hợp triển khai các tín dụng ưu đãi tại địa bàn 65 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, với 7.541 lượt khách hàng vay vốn, tổng số tiền 541,9 tỷ đồng. Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết về vốn phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo bền vững, thúc đẩy KT-XH địa phương.
Xác định được vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ vững chắc vùng phên dậu của Tổ quốc, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất thực hiện hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” theo phương thức “tự giúp” không có sự đồng hành của tỉnh, thành khác. Trong giai đoạn 2018-2020, chương trình đã lựa chọn 2 xã Lục Hồn và Vô Ngại của huyện Bình Liêu để hỗ trợ.
Năm 2020, chị Lô Thị Thủy (thôn Lục Nà) là một trong số hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Lục Hồn được hỗ trợ 10 triệu đồng từ chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" để phát triển sản xuất. Với số vốn vay không lãi suất, chị Thủy đã mua 3 con lợn nái để phát triển kinh tế. Đến nay, đàn lợn nái đang mang lại việc làm, cũng như thu nhập ổn định cho gia đình chị Thuỷ. Khi những vất vả của cái nghèo không còn đè nặng, chị Thuỷ đã có nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc gia đình, con cái.
Không chỉ hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều thôn, bản bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Trao tặng góc học tập, hỗ trợ di chuyển chuồng trại, xây dựng tủ sách pháp luật, xây dựng nhà ở cho hộ có hoàn cảnh khó khăn... Phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 2018-2020, từ năm 2021 đến nay, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ 2 xã Lục Hồn và Vô Ngại, các cấp hội phụ nữ và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã hỗ trợ thêm 2 xã Quảng Đức, Quảng Sơn (huyện Hải Hà) bằng nhiều việc làm cụ thể, ý nghĩa.
Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã vận động xã hội hóa, tham mưu nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ các hoạt động tại 4 xã trên với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Với ý nghĩa nhân văn, chương trình đã thực sự trở thành điểm tựa, để phụ nữ và người dân ở vùng biên tự tin vươn lên trong cuộc sống, từ đó, tiếp tục chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo QP-AN, xây dựng phên dậu biên cương vững chắc nơi địa đầu Tổ quốc.
Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()