Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 08:25 (GMT +7)
Chăm lo đời sống người dân ngày một tốt hơn
Thứ 3, 04/04/2023 | 09:14:59 [GMT +7] A A
Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, người dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh đã ban hành và cụ thể hoá nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tỉnh xác định đây là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt, bao trùm, nhằm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng, miền.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy và các nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đã linh hoạt triển khai, dành nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và nhiều nguồn huy động hợp pháp để tập trung thực hiện, nhằm mang lại hiệu quả cao trong thực hiện các chương trình. Qua đó đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm theo tiêu chí của trung ương. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Quảng Ninh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, cận nghèo; 3/13 địa phương (Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn) không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Cụ thể hoá chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, trong quý I/2023, tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời trợ cấp xã hội hằng tháng đối với 156 hộ nghèo không có khả năng lao động theo Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quyết định cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh). Đồng thời, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách người có công và trợ giúp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng.
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai hỗ trợ trong cung ứng, tuyển dụng, thu hút lao động cho doanh nghiệp, phục vụ hỗ trợ phát triển thị trường lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Trong quý I/2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 39.600 lượt lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 13.200 lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, năm học 2023-2024; hoàn thành rà soát quỹ đất phục vụ cho phát triển giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đến từng thôn, bản, khu phố với mục tiêu phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao (chuẩn mức độ 2 trở lên) trong năm 2023...
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV, đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến sự phát triển của tỉnh. Trong đó, Nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, có ý nghĩa quan trọng, giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế, cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn. Qua đó giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là chính sách an sinh xã hội hướng đến nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng, miền trong tỉnh. Đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”; đánh dấu giai đoạn phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Công tác y tế được tăng cường, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, hải đảo của tỉnh. Các địa phương, cơ sở y tế dành nhiều nguồn lực để cải thiện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Trong đó, thực hiện hiệu quả việc phân luồng, phân loại bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo an toàn… trong các cơ sở y tế. Tỉnh phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực cơ sở y tế toàn tỉnh năm 2023; đồng thời tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Tỉnh đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh”. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để khởi công các Dự án: "Làng văn hóa công nhân Vùng mỏ" tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả); Nhà ở xã hội công nhân, người lao động tại KCN cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà); Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà).
Với nhiều giải pháp được cụ thể hóa, công tác đảm bảo an sinh xã hội đang được tỉnh triển khai đảm bảo hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()