Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:20 (GMT +7)
TKV: Chăm lo đời sống thợ lò
Thứ 7, 17/07/2021 | 08:05:07 [GMT +7] A A
Cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt và đảm bảo chế độ, chính sách cho thợ mỏ là một trong những giải pháp mà TKV nỗ lực thực hiện để chăm lo cho người lao động.
Thời gian qua, các đơn vị ngành Than, bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác chăm lo cải thiện về điều kiện làm việc và sinh hoạt cho thợ lò luôn được quan tâm. Các mỏ than trên địa bàn tỉnh được đầu tư ứng dụng công nghệ khép kín các khâu vận tải, khai thác, bốc xúc..., tạo tác động lớn đến năng suất lao động, góp phần giải phóng sức lao động cho thợ lò.
Mới đây, Công ty Than Uông Bí - TKV tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng “Hệ thống chở người bằng tời cáp treo lò thượng mức +131/+270 khu IV Đồng Vông”. Công trình có chiều dài toàn tuyến trên 380m, tổng trị giá gần 18 tỷ đồng, hoàn thành trong gần 1 tháng, vượt tiến độ 8 ngày. Công trình đi vào hoạt động đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất, cải thiện điều kiện đi lại và làm việc cho người lao động khu vực Hạ My, Đồng Vông, tăng năng suất lao động, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty Than Uông Bí năm 2021 và những năm tiếp theo.
Không chỉ đầu tư đồng bộ hệ thống vận chuyển người trong các đường lò, 100% diện đào lò của Công ty Than Uông Bí được cơ giới hóa, công tác quản trị doanh nghiệp được tin học hóa, nhiều phần việc được tự động hoá... mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Công ty trang bị mặt nạ phòng bụi cho người lao động, xây dựng nhà vệ sinh trong hầm lò...
Công ty Than Nam Mẫu - TKV là một trong những đơn vị đi đầu về áp dụng đào lò bằng các thiết bị cơ giới hóa của TKV. Cuối tháng 5/2020, Công ty đưa máy khoan xúc đa năng vào vận hành thử nghiệm tại Phân xưởng Đào lò 1 ở mức -50. Đây là công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại nhất trong toàn Tập đoàn được Công ty ứng dụng đầu tiên. Tháng 2 vừa qua, Công ty tiếp tục thí điểm đưa máy xúc mini vào lò chợ khai thác. Đây là lò chợ chống giá khung di động đầu tiên của TKV thí điểm áp dụng máy xúc mi ni vào khai thác. Anh Phạm Văn Thành, Tổ sản xuất số 2, Phân xưởng Khai thác - Đào lò 2, phấn khởi cho biết: Khi máy xúc đưa vào sử dụng đã giúp chúng tôi nâng sản lượng khai thác của Phân xưởng từ 800 lên 1.100 tấn than/ngày.
Đến nay hầu hết các đơn vị của ngành Than đã đầu tư, áp dụng đồng bộ công nghệ trong sản xuất, cải thiện điều kiện đi lại cho người lao động một cách khép kín. Điển hình là Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin, Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin, Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin; Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin…
TKV luôn xác định chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động, trong đó chính sách tiền lương là quan trọng nhất để người lao động tái tạo sức lao động và có tích lũy cá nhân.
Hiện tất cả các đơn vị hầm lò đều đầu tư các khu chung cư, bữa ăn ca tự chọn cho thợ lò. Mục tiêu 100% thợ lò độc thân hoặc gia đình ở xa có chỗ ở trong các khu chung cư. Nhiều đơn vị làm rất tốt, trang bị thang máy, máy lạnh, máy giặt, ti vi, tủ lạnh trong các phòng ở của thợ lò.
Về chế độ tiền lương, những năm gần đây, cứ có điều kiện cân đối tài chính là TKV đều chỉ đạo tăng lương cho thợ lò với tốc độ tăng cao hơn các khu vực khác. Hiện mức lương thực tế của thợ lò bình quân 1 triệu đồng/công, tùy mỏ. Ngoài lương hưởng theo sản phẩm, thợ lò còn được doanh nghiệp hỗ trợ những khoản thu nhập mà họ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân như: Ăn định lượng, đưa đón đi làm, tắm nước nóng, rửa mũi, giặt bảo hộ lao động, hỗ trợ chi phí ở nhà tập thể.
Bên cạnh đó, Tập đoàn còn chỉ đạo các đơn vị thực hiện các chế độ phúc lợi riêng chỉ dành cho thợ lò, là tổ chức cho gia đình thợ lò tiêu biểu, xuất sắc đi tham quan, du lịch; duy trì Bệnh viện Than - Khoáng sản để khám, chữa bệnh nghề nghiệp bụi phổi cho thợ lò, chi phí được cấp từ Quỹ phúc lợi của Tập đoàn.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()