Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:54 (GMT +7)
Chăm lo thiết thực đời sống nhân dân
Thứ 2, 04/11/2024 | 05:32:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chính sách xã hội với mục tiêu bảo đảm cho người dân được thụ hưởng ngày một tốt hơn từ thành quả trong công cuộc đổi mới phát triển của tỉnh.
Năm 2024, triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình KT-XH nói chung còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh quyết liệt triển khai các chương trình, nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội, hướng mạnh đến các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS, đối tượng chính sách, yếu thế trên địa bàn.
Cùng với đôn đốc, triển khai hiệu quả các chương trình, nghị quyết của trung ương, tỉnh bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân linh hoạt với tình hình thực tế địa phương. Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh ưu tiên nguồn lực, quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng khó.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã hoàn thành 13/15 dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo bằng nguồn vốn Chương trình tổng thể dân tộc miền núi; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các dự án đầu tư hạ tầng, như: Điện, đường, trường học, trạm y tế, văn hóa, thương mại, QP-AN…
5 năm trở lại đây, tỉnh đã xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất cho 7 trường học theo tiêu chí chất lượng cao thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi; phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ NSNN đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 4/13 địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 100% đều thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo (Ba Chẽ, Cô Tô, Vân Đồn, Bình Liêu), bảo đảm cho học sinh được tiếp cận dịch vụ giáo dục bình đẳng, có chất lượng tốt nhất.
Cơn bão số 3 vừa qua đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho Quảng Ninh, trong đó hàng trăm ngàn ngôi nhà của nhân dân bị đổ sập, hư hỏng… Cùng với triển khai nghiêm túc Nghị quyết 143-NQ/CP của Chính phủ, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc tích cực, phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3.
Cùng với chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024; Nghị quyết số 43/2024/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND.
Đến nay, tỉnh đã phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả cơn bão số 3, mưa lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội với tổng kinh phí 128,141 tỷ đồng. Những chính sách cấp bách là “trợ lực” để nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh sớm tái thiết cuộc sống, ổn định sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Vĩnh (thôn Nam 1, xã Liên Vị, TX Quảng Yên), xúc động cho biết: Ngôi nhà của gia đình tôi bị đổ sập trong cơn bão số 3. Trong lúc hoạn nạn, được sự quan tâm kịp thời, hỗ trợ 100 triệu đồng của tỉnh để xây lại ngôi nhà, gia đình tôi vô cùng cảm động. Nếu không có sự hỗ trợ này, gia đình tôi không biết xoay xở thế nào.
Song song với đó, Dự án nhà ở xã hội khu dân cư Đồi ngân hàng TP Hạ Long cũng đang được tích cực đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Quảng Ninh có 15 dự án nhà ở xã hội đang và sẽ được triển khai giai đoạn từ nay đến năm 2030, tập trung các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên. Giai đoạn đến 2025, sẽ có 13 dự án được triển khai với 8.600 căn nhà; đến năm 2030 hoàn thiện đưa tổng số nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh lên 18.000 căn phục vụ nhân dân, CNLĐ, người thu nhập thấp, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở; tạo điều kiện để người lao động gắn bó, ổn định lâu dài tại tỉnh, đây cũng là chủ trương của tỉnh trong thu hút lao động chất lượng cao.
Mặc dù cũng trong cảnh bị thiệt hại nặng nề sau bão, nhưng hoạt động hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp tái thiết cuộc sống, ổn định sản xuất cũng nhận được sự chung tay của các đơn vị, địa phương. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, Ngân hành CSXH tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, đến nay đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 12.253 khách hàng với dư nợ 868,3 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với 5.186 khách hàng, với tổng dư nợ được giảm lãi suất là 15.986 tỷ đồng (mức giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng và mức độ thiệt hại), dự kiến hết năm 2024, tổng số tiền được giảm là khoảng 160 tỷ đồng.
Ngân hàng CSXH tỉnh cũng rà soát các đối tượng bị thiệt hại của bão, mưa lũ có nhu cầu vay vốn, tập trung nguồn vốn thực hiện giải ngân kịp thời cho 3.064 lượt khách hàng vay với số tiền 223,2 tỷ đồng, dự kiến từ nay đến cuối năm, đơn vị giải ngân khoảng trên 400 tỷ đồng. Đồng thời, chưa thực hiện thu lãi tiền vay đến ngày 31/12/2024 (dự kiến khoảng trên 10 tỷ đồng); thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ sang kỳ tiếp theo cho 10.836 lượt khách hàng với số tiền 94,2 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 501 lượt khách hàng với 12,8 tỷ đồng.
Phát huy tinh thần “Tương thân tương ái” chung tay khắc phục hậu quả bão số 3, thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh, đã có 2.482 tập thể, cá nhân đăng ký và ủng hộ 89,92 tỷ đồng. Đến nay, đã phân bổ chi hỗ trợ khẩn cấp (đợt 1) 10,3 tỷ đồng hỗ trợ cho 10.300 hộ dân tại 13 địa phương trong tỉnh khắc phục hậu quả bão số 3.
Công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn là mục tiêu trọng điểm, xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh. Năm 2023, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn. Hết năm 2023, tỉnh hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh đã chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập. Quảng Ninh quyết tâm tiếp tục thực hiện mạnh mẽ mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới…
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()