Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:21 (GMT +7)
Chất Ethylene Oxide trong mì ăn liền gây nguy hiểm sức khỏe ra sao?
Chủ nhật, 20/11/2022 | 08:57:36 [GMT +7] A A
Ngày 15/11, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan công bố một lô hàng mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu Đỏ chứa hàm lượng Ethylene Oxide không phù hợp có thể gây hại cho người dùng.
Bộ Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp báo cáo vụ phát hiện một lô hàng mì Gấu Đỏ có hàm lượng Ethylene Oxide không phù hợp tiêu chuẩn.
Theo đó, qua kiểm tra tại cửa khẩu, Đài Loan đã phát hiện lô mì nhập khẩu từ Việt Nam có hàm lượng Ethylene Oxide không phù hợp, trên gói gia vị là 3,438 mg/kg và vắt mì là 0,107 mg/kg.
Ethylene oxide là chất gì?
Ethylene Oxide (EO) là một là một hợp chất hữu cơ (Công thức hóa học: C2H4O), thường tồn tại ở dạng khí không màu và dễ cháy.
EO được sử dụng làm nguyên liệu tạo ra các hóa chất khác để chế tạo các sản phẩm phổ biến hiện nay như chất chống đông, chất tẩy rửa, chất kết dính hay thuốc trừ sâu.
Bên cạnh đó, chất này còn được sử dụng để khử trùng các thiết bị không thể khử trùng bằng nước hoặc bức xạ, như một số thiết bị y tế và nha khoa.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), khoảng 50% thiết bị y tế vô trùng được điều trị bằng chất này, đồng thời nó còn dùng để hun trùng trên một số sản phẩm nông sản hay thực phẩm như gia vị, nhiều loại thảo mộc khô, rau khô, hạt mè hay quả óc chó.
Hàm lượng Ethylene Oxide bao nhiêu trong thực phẩm là nguy hiểm?
Tại Việt Nam, vẫn chưa có quy định cụ thể nào về chất EO trong nông nghiệp hay dư lượng Ethylene Oxide có trong thực phẩm. Thực tế trong xã hội hiện nay, người tiêu dùng trong nước vẫn tiêu thụ và sử dụng những loại mì ăn liền này.
Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI), việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm EO tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng nếu sử dụng nó trong một thời gian dài có thể gây những căn bệnh nguy hiểm như ung thư.
Thực tế đã có những bằng chứng khoa học chỉ ra rằng, nếu con người tiếp xúc hay hít phải EO trong nhiều năm, hàm lượng chất này tích tụ trong cơ thể lớn có thể dẫn đến các biến chứng về ung thư bạch hầu, u tủy, hay ung thư vú ở phụ nữ.
Trên thế giới, các quốc gia có những quy định khác nhau về hàm lượng EO trong thực phẩm hay các sản phẩm nông nghiệp.
Như tại Liên minh châu Âu (EU), chất EO được xếp vào nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu cấm dùng trong thực phẩm bán ra có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài, từ nguyên liệu, sản xuất đến lưu trữ.
Chính vì thế, nó được EU phân loại trong nhóm 1B là những chất gây ung thư, gây đột biến và độc tố sinh sản loại I và loại III về độc tính cấp tính. Đồng thời, khối này cũng quy định dư lượng tối đa ở mức rất thấp chỉ từ 0,1 đến 0,2 (mg/kg) tùy sản phẩm.
Ở Mỹ và Canada, Ethylene Oxide được đăng ký sử dụng trong các loại thảo mộc và gia vị, ở mức giới hạn dư lượng tối đa là 7 mg/kg, lớn hơn rất nhiều so với EU.
Hai khu vực này, chất EO thường được sử dụng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp gia vị hay để giảm ô nhiễm vi sinh vật sau thu hoạch và trong kho, giữ màu sắc và hương vị tốt hơn.
Mặc dù nó tiêu tan tương đối nhanh sau khi sử dụng, song chất này vẫn tiềm ẩn nguy cơ khuếch tán vào nhiều thực phẩm khác có chứa clorua, dẫn đến phản ứng hóa học tạo thành các hợp chất độc hại khác, phổ biến nhất là khí 2-chlorethanol.
Hiện tại, nhiều quốc gia Bắc Mỹ đang nghiêm túc cân nhắc thay đổi quy định về sử dụng EO trong thực phẩm.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()