Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 19:51 (GMT +7)
Chất lượng dự báo
Thứ 4, 02/07/2008 | 05:48:31 [GMT +7] A A
Thông tin Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vừa ký hợp đồng nhập khẩu 3,5 triệu tấn than với 2 công ty của In-đô-nê-si-a để phục vụ cho một số dự án nhiệt điện đang khiến dư luận xôn xao và băn khoăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam là nước có trữ lượng than lớn hàng tỷ tấn (đó là chưa kể nhiều khu vực chưa đánh giá được trữ lượng), tập trung nhiều ở vùng Quảng Ninh, hằng năm khoảng trên dưới 50% sản lượng than khai thác được xuất khẩu ra nước ngoài, vậy tại sao đã phải nhập than? Và theo quy hoạch, lộ trình phát triển của ngành Than thì vào năm 2012 Việt Nam mới phải nhập than (khoảng 8 triệu tấn), vậy mà tại sao đến nay đã phải ký hợp đồng nhập khẩu than v.v..
Trong chuyện này ngành Than có lý của ngành Than, công luận có lý của công luận, song tựu trung lại vẫn là do tầm nhìn, công tác dự báo của các cấp, ngành còn quá hạn chế, không sát thực tế, nhất là nhu cầu than cho sản xuất điện. Cụ thể, theo tổng sơ đồ phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn 2003-2010 và dự báo đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt (ngày 29-1-2003), sản lượng sản xuất than đá thương phẩm với lộ trình là đến năm 2005: 16-17 triệu tấn; năm 2010: 23-24 triệu tấn; năm 2015: 26-27 triệu tấn; năm 2020: 29-30 triệu tấn. Vậy mà chỉ 5 năm sau đã có sự thay đổi đáng kể và trở nên quá lạc hậu, sản lượng khai thác của các năm 2007-2008 đã vượt quá xa sản lượng dự kiến của năm 2020 (năm 2008 kế hoạch than nguyên khai khoảng 47 triệu tấn, than tiêu thụ khoảng 43 triệu tấn). ở đây cần phải nghi ngờ, cần phải đặt ra nhiều câu hỏi về những con số, dữ liệu quy hoạch, dự báo của ngành Than.
Ở tầm quốc gia, khi quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển của một ngành, lĩnh vực, nhất là với những lĩnh vực quan trọng như năng lượng, lương thực phải có tầm nhìn lâu dài từ 50 đến 100 năm chứ không thể chỉ dừng ở 5-10 năm. Mà với những phân đoạn 5-10 năm cũng đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém thì nói gì đến giai đoạn dài hơn.
Thực tế hiện nay không chỉ chất lượng dự báo của ngành Than không sát thực tế mà nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng vậy. Nó không chỉ diễn ra ở tầm quốc gia mà ở các địa phương công tác này cũng đang đòi hỏi phải nâng cao chất lượng. Dự báo tốt, chính xác, có tầm nhìn xa sẽ giúp chúng ta hoạch định những chủ trương, chính sách phù hợp, tránh bị động, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành ổn định, vững chắc.
Liên kết website
Ý kiến ()