Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:43 (GMT +7)
Chất vấn, trả lời chất vấn: Làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm
Thứ 7, 20/07/2013 | 05:55:02 [GMT +7] A A
Sáng ngày làm việc thứ 4 của kỳ họp, các ĐB tiếp tục chất vấn, trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Nhìn chung các nội dung trả lời chất vấn đúng trọng tâm, nêu ra các giải pháp và có lộ trình thực hiện, tạo được sự đồng tình cao.
Đại biểu Châu Hoài Thu (Tổ Vân Đồn) chất vấn Giám đốc Sở Y tế về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong phiên họp sáng 19-7. |
Giải pháp thu nợ tiền sử dụng đất tồn đọng của các dự án
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Minh báo cáo giải trình về một số giải pháp thu nợ tiền sử dụng đất của các dự án đầu tư - kinh doanh hạ tầng đã tồn đọng nhiều năm. Đến hết ngày 31-12-2012, toàn tỉnh có 33 dự án kinh doanh hạ tầng đô thị đã có quyết định về giá thu tiền sử dụng đất với tổng số tiền phải theo dõi, đôn đốc nộp NSNN là 945 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao cho sở, ngành chuyên môn và các địa phương có dự án thực hiện rà soát, xây dựng các tiêu chí với mục tiêu công khai, minh bạch, công bằng giữa các chủ đầu tư. Trong số 33 dự án trên có 13 dự án được gia hạn nộp tiền trong 1 năm (từ tháng 5-2012 đến tháng 5-2013) với số tiền gia hạn là 412 tỷ đồng. Các dự án không được gia hạn, UBND tỉnh đã phân quyền, phân cấp tối đa cho các địa phương đôn đốc và trực tiếp thu nộp, sử dụng 100% số thu vào ngân sách địa phương.
6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu nộp cho ngân sách số tiền của các dự án nợ đọng 30 tỷ đồng; rà soát, phân loại, đưa ra ngoài danh sách không theo dõi, đôn đốc nộp tiền sử dụng đất 10 dự án (trong đó có 5 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính). Như vậy, đến ngày 30-6-2013, toàn tỉnh còn 23 dự án tiếp tục phải đôn, theo dõi nộp NSNN với số tiền là 747 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XII, UBND tỉnh đã báo cáo các giải pháp đôn đốc chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất, những chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tỉnh sẽ thu hồi lại diện tích đất theo Luật Đất đai, sau khi tổ chức đấu giá thu được tiền sẽ thanh toán trả cho chủ đầu tư cũ. Nhưng 6 tháng đầu năm nay, UBND tỉnh chưa thu hồi được dự án nào.
Báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp: Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành tiêu chí xét gia hạn nộp tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; với những dự án đã hết hạn được gia hạn và những dự án không đủ điều kiện gia hạn, mà chủ đầu tư không nộp tiền sử dụng đất thì đề xuất cơ chế thu hồi đất theo giá đất đã được UBND tỉnh xác định trước đây, tương ứng với phần tài chính mà chủ đầu tư còn nợ ngân sách nhà nước trong tháng 9-2013...
ĐB Trần Xuân Cương (Tổ Hạ Long) chất vấn: Làm rõ tại sao phải ban hành tiêu chí xét gia hạn mới; thời gian tháo gỡ khó khăn về công tác GPMB thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản cho các địa phương?
Giám đốc Sở Tài chính trả lời: Việc ban hành tiêu chí về xét gia hạn mới là cần thiết, phù hợp với các quy định của T.Ư; thời gian tháo gỡ khó khăn phụ thuộc vào sự tích cực vào cuộc của các sở, ngành và địa phương liên quan. Giải thích thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành cho rằng, mặc dù 6 tháng đầu năm nay, công tác thu, chi ngân sách của tỉnh được T.Ư đánh giá cao, nhưng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Do vậy để tích cực thu nộp cho NSNN từ nguồn sử dụng đất của các dự án, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, rà soát kỹ lưỡng để triệt để thu...
Chủ toạ kỳ họp kết luận: Giải trình tương đối đầy đủ. Đề nghị các ngành hữu quan cần phải phân biệt rõ việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với những tồn đọng trước đây do doanh nghiệp lúc làm ăn hiệu quả nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. UBND tỉnh cần ra quyết định cho các địa phương thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc thu tiền sử dụng đất; việc ra thông báo gia hạn cho doanh nghiệp phải sớm hơn, tránh tình trạng gần hết thời hạn được gia hạn mới thông báo...
Quản lý ATVSTP - còn nhiều khó khăn
Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện báo cáo trả lời chất vấn về quản lý ATTP đối với thực phẩm tươi sống ở một số chợ và rau quả bày bán tại các chợ, cửa hàng. Theo đó, nguồn thịt gia súc, gia cầm được bày bán ở các chợ chủ yếu được lấy từ các điểm giết mổ trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm soát nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới từ đầu năm đến nay cơ bản được các ngành chức năng, địa phương thực hiện nghiêm túc, qua đó đã giảm trên 90% gia súc, gia cầm nhập lậu. Lượng rau, quả bán trên địa bàn tỉnh chủ yếu ngoài tỉnh. Việc giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm rau, củ, quả chủ yếu sử dụng test xét nghiệm nhanh định tính, mới chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo, chưa định lượng được để xử lý tiêu huỷ…
ĐB Bùi Thuý Phượng (Tổ Cẩm Phả) chất vấn: Hiện việc kiểm soát VSATTP tại các chợ và trên thị trường của tỉnh gặp khó khăn gì. BCĐ liên ngành đã tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm và công khai các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh vi phạm VSATTP như thế nào?
Giám đốc Sở Y tế trả lời: Hệ thống văn bản pháp quy để quản lý và xử lý vấn đề về VSATTP là mới, nên trong quá trình triển khai đã gặp nhiều khó khăn. Lực lượng thanh tra, kiểm tra từ tỉnh đến các huyện, xã mỏng, nên khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. 6 tháng đầu năm nay, Sở Y tế đã chỉ đạo và tổ chức được 455 đoàn thanh tra, kiểm tra. Khi phát hiện vi phạm về VSATTP, chủ yếu thanh tra liên ngành và chuyên ngành VSATTP cấp tỉnh xử lý, cấp huyện có xử lý nhưng không nhiều, còn cấp xã hầu như không xử lý. Vì vậy, đề nghị các cấp chính quyền và người đứng đầu các tổ chức, đơn vị tăng cường công tác chỉ đạo và có những biện pháp xử lý nghiêm.
Trả lời chất vấn của các ĐB Nguyễn Thị Hồng Oanh (Tổ Móng Cái), Châu Hoài Thu (Tổ Vân Đồn), Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Đầu năm khi dịch H1N1, H5N1 xảy ra ở Quảng Ninh, UBND tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo, các ngành, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng, chống dịch, bệnh. Tỉnh tổ chức đoàn đi kiểm tra các địa phương biên giới về việc thẩm lậu. Sở Y tế phối hợp với ngành NN&PTNT tập trung kiểm soát, phòng ngừa dịch… Vì vậy, ổ dịch đã được kiểm soát, giải quyết rứt điểm và không có lây lan. Rau, quả bày bán ở chợ như hiện nay chủ yếu lấy từ các chợ đầu mối ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Vì vậy, để kiểm soát tốt hàng hoá, thực phẩm và thực hiện chống lậu thì các tỉnh, thành phố trong nước cần đẩy mạnh hơn nữa trong công tác phối hợp.
Phát biểu kết luận, Chủ toạ kỳ họp nhấn mạnh: Thời gian tới, cơ quan chức năng cần công bố, công khai các cửa hàng vi phạm về ATVSTP và các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân; đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSTP giữa các ngành, địa phương và công khai kết quả xử lý để người dân biết. Theo quy hoạch thì tỉnh có 22 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tuy nhiên hiện mới xây dựng được 3 điểm giết mổ. Vì vậy, chính quyền địa phương các cấp cần cương quyết trong việc chỉ đạo, triển khai di dời các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư nhằm đảm bảo môi trường và đời sống cho người dân. Tỉnh đang tích cực xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng, vì thế các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc và có biện pháp hỗ trợ điểm bán hàng cho người dân có sản phẩm.
Đại biểu Hồ Văn Vịnh (Tổ Cẩm Phả) chất vấn cơ quan chức năng tại phiên họp sáng 19-7. |
Một số công trình mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp
ĐB Trần Trọng Quý (Tổ Hạ Long) yêu cầu các đơn vị thi công giải trình rõ về việc các công trình Công viên Lán Bè; mở rộng đường Lê Thánh Tông và khu Quảng trường Cột 3 (TP Hạ Long) mới đưa vào sử dụng đã có tình trạng hư hỏng, xuống cấp nặng nề.
Giải trình về tình trạng xuống cấp của Công viên Lán Bè, ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc BQL Đầu tư và xây dựng công trình trọng điểm tỉnh đã nêu nguyên nhân xuống cấp là do tiến độ thi công công trình quá nhanh, mặt bằng dự án rộng (23ha) lại mới được tôn tạo nhưng đã đưa vào sử dụng, nên dẫn tới tình trạng đọng nước, sụt lún cục bộ ở một số điểm của đường dạo và khu vực sân trung tâm. Trong thời gian công trình mới đi vào sử dụng, liên tiếp nhiều chương trình lớn được tổ chức ở đây, các loại xe ô tô có trọng tải lớn thường xuyên di chuyển vào khu vực dành cho người đi bộ, đã dẫn đến tình trạng trên. Để khắc phục, ngày 28-5 vừa qua, BQL đã tổ chức mời các đơn vị thi công rà soát kiểm tra các hạng mục xuống cấp để thống nhất, sửa chữa, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7, đồng thời xem xét bổ sung các rào chắn để ngăn các loại phương tiện đi vào mặt bằng công viên. Ông Nguyễn Văn Tùng đề nghị TP Hạ Long cần tăng cường công tác quản lý mặt bằng công viên, cụ thể là phải giao cho 1 đơn vị chịu trách nhiệm quản lý công trình này.
Về dự án mở rộng đường Lê Thánh Tông, trong quá trình thi công do mặt bằng dự án trải dài (908m), số người tham gia giao thông và số hộ buôn bán kinh doanh đông lại nhiều đơn vị cùng tham gia thi công dự án nên việc giám sát chưa tốt dẫn đến có hiện tượng một vài chỗ đã sử dụng vật tư, nước không đảm bảo… Vấn đề này đã được lãnh đạo Ban nghiêm túc kiểm điểm bộ phận giám sát và tổ chức họp với các nhà thầu thi công dự án kịp thời chấn chỉnh hiện tượng trên.
Về công trình Quảng trường Cột 3, theo giải trình của ông Phạm Hùng Cường, Giám đốc BQL Đầu tư các công trình VHTT tỉnh, nguyên nhân cũng là do thời gian thi công công trình quá nhanh nên khó đảm bảo chất lượng, công trình xây dựng trên diện rộng (3,5ha) thuộc khu vực lấn biển, bùn không được nạo vét mà thực hiện theo phương pháp gia cố kết cấu lớp bùn, nên đã dẫn đến việc tích tụ lại lớp bùn dày, gây tình trạng sụn lún. Ông Phạm Hùng Cường cũng thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót của Ban, lẽ ra phải báo cáo xin phép UBND tỉnh chỉ cho đổ bê tông M150 dày 150 theo thiết kế, sau đó dừng lại, để chờ khi hết lún mới cho lát đá. Ban cũng không thông tin cho cử tri được biết về nguyên nhân lún, nứt, nên đã dẫn đến việc cử tri lo lắng, hoài nghi. Ban sẽ tiếp thu và kiểm điểm sâu sắc việc này, đồng thời khẩn trương cho lát lại mặt quảng trường, đảm bảo nhu cầu vui chơi, tập luyện của nhân dân. Chi do nhà thầu chịu, hoàn thành vào đầu tháng 9 tới.
ĐB Trần Trọng Quý (Tổ Hạ Long) yêu cầu lãnh đạo BQL Đầu tư các công trình VHTT tỉnh cho biết thêm về phương án sửa chữa và liệu có xử lý được hay không, thời gian bảo hành đến bao giờ?
Ông Phạm Hùng Cường cho biết, công trình đã dỡ lớp gạch lát ở dải phía biển bị lún, đang tiến hành sửa chữa; đây là lần bảo hành cuối cùng, nên phải làm thật nghiêm túc, gia cố phần nền thật chắc rồi mới tiến hành lát nền.
Kết luận nội dung này, Chủ toạ kỳ họp đề nghị 2 đơn vị cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của cử tri; khắc phục tồn tại để các dự án đảm bảo chất lượng. Các đơn vị giám sát cũng cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát công trình. Thời gian qua tỉnh rất khó khăn về ngân sách nhưng vẫn đặc biệt quan tâm, dành một khoản lớn để đầu tư các công trình trọng điểm, nhất là các công trình phục vụ đời sống cho nhân dân. Vì vậy, các đơn vị đầu tư cần phải thực hiện nghiêm túc về chất lượng, tránh tình trạng hư hỏng xuống cấp, gây hoang mang cho nhân dân.
Nhóm PV thực hiện
Các nghị quyết của HĐND tỉnh (khoá XII) trong kỳ họp thứ 9 (1) Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013. (2) Nghị quyết về việc thông qua tổng biên chế cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh năm 2014. (3) Nghị quyết một số mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên trên địa bàn tỉnh. (4) Nghị quyết về việc thông qua Đề án thành lập xã đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. (5) Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách, khuyến khích đối với các hộ dân ra sinh sống lâu dài tại đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. (6) Nghị quyết về việc hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người có công với nước, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. (7) Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. (8) Nghị quyết về việc quy định tỷ lệ (%) tiền thu phí sử dụng bến, bãi đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng quá cảnh, hàng qua kho ngoại quan, trích để lại cho đơn vị thu phí chi cho công tác thu phí. (9) Nghị quyết về việc quy định điều chỉnh, bổ sung mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. (10) Nghị quyết điều chỉnh khung mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô đối với các điểm, bãi trông giữ xe trên địa bàn tỉnh tại Nghị quyết số 06/2007/NQ-HĐND ngày 4-7-2007 và Nghị quyết số 52/2012/NQ-HĐND ngày 11-7-2012 của HĐND tỉnh. (11) Nghị quyết về việc thông qua Đề án đề nghị công nhận thành phố Uông Bí là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. (12) Nghị quyết về việc thông qua Đề án đề nghị công nhận đô thị Đông Triều mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. (13) Nghị quyết về việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn các địa phương: TP Hạ Long, TP Móng Cái, TP Uông Bí và huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. (14) Nghị quyết về việc thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. (15) Nghị quyết về việc thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (16) Nghị quyết về kết quả giám sát “Công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và cán bộ cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. (17) Nghị quyết về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án hình sự và dân sự của các cơ quan thi hành án và ban chỉ đạo thi hành án dân sự các địa phương trên địa bàn tỉnh. (18) Nghị quyết về kết quả giám sát công tác thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. (19) Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá XII. (20) Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Uỷ viên UBND tỉnh Quảng Ninh khoá XII, nhiệm kỳ 2011-2016. (21) Nghị quyết về việc xác nhận kết quả bầu cử bổ sung chức vụ Uỷ viên UBND tỉnh Quảng Ninh khoá XII, nhiệm kỳ 2011-2016. (22) Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. |
Liên kết website
Ý kiến ()