Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 17:10 (GMT +7)
Chị Từ Thị Nguyệt và ước mơ làm giàu từ vườn ươm
Chủ nhật, 20/10/2024 | 20:21:40 [GMT +7] A A
Vươn lên từ 2 bàn tay trắng, chị là tấm gương trong vượt khó, làm giàu cũng như tạo nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ, người yếu thế, bà con dân tộc thiểu số ở thôn. Đó là chị Từ Thị Nguyệt, người Sán Dìu, chủ cơ sở ươm cây giống ở thôn Trường Tùng, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên.
Bán trâu đầu tư vườn ươm
Theo lời giới thiệu của Hội phụ nữ xã Hải Lạng, tôi tới thăm vườn ươm cây giống của gia đình chị Nguyệt ở thôn Trường Tùng. Xe dừng bánh đầu cầu Hà Dong 1, chưa kịp bước xuống xe, bác tài đã "nửa đùa, nửa thật" bảo: Phải cuốc bộ cả cây số em nhé, ở đây không có xe ôm hay taxi đâu!
Thôn Trường Tùng khá thuận lợi về giao thông, ngay sát Quốc lộ 18, là vùng đất yên bình, xanh ngát màu ruộng nương, rừng cây. Thế nhưng, “đỏ mắt” không tìm được xe, tôi hỏi đường nhà chị Nguyệt ươm cây giống thì được chị chủ quán đầu cầu nhiệt tình chỉ đường và còn bảo con trai phóng xe đưa tôi vào tận nhà chị Nguyệt mà không lấy công.
Nhà chị Nguyệt nằm ở giữa thôn, kề ngay đường cái. Kế bên là khu vườn ươm rộng thênh thang, xanh ngát. Đang làm vườn, chị ngơi tay dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn ươm. Chị Nguyệt chừng ngoài 50 tuổi, dáng người khỏe mạnh, có vẻ chất phác, hiền lành nhưng khuôn mặt nhuốm màu sương gió, già dặn. Vừa đi, chị vừa kể: Ở vùng nông thôn này, đa phần phụ nữ làm ruộng, trồng rừng. Cái khó bủa vây, vất vả quanh năm mà vẫn khó kiếm đủ tiền nuôi con ăn học.
Bản thân chị Nguyệt, trước khi làm vườn ươm, chị cũng xoay sở đủ nghề. Để chuẩn bị cho con bước vào đại học, vợ chồng chị đã phải đi làm thuê, ngược xuôi theo xe khách đi buôn khắp các vùng miền. Thấy chồng vất vả, chị Nguyệt cũng không thể ngồi yên. Chị đi làm phụ hồ, đổ bê tông trong xã cho tới các địa bàn Mông Dương, Bình Liêu, Ba Chẽ... đều in dấu chân của chị…
Năm 2008, con trai lớn đỗ Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Cùng với niềm vui vô bờ khi con trai là người đầu tiên trong họ được học Đại học là nỗi lo hằn trên trán chị. Nỗi lo làm sao xoay đủ tiền cho con nhập học, nuôi con học 4 năm Đại học… Cuối cùng, dù tiếc nuối nhưng chị vẫn phải bán con trâu để lấy tiền cho con nhập học, đóng học phí. Chị còn làm thêm nhiều việc từ tăng gia chăn nuôi lợn, làm ruộng, trồng rừng, đốt than… để bán. “Tiền làm ra chả thấm vào đâu, như con gà bới ra được bao nhiêu, con đi học đều tha đi hết bấy nhiêu, phải chi tiêu thật tiết kiệm mới đủ cho con ăn học” - chị nhớ lại.
Một bước ngoặt tới khi chị nghe theo gợi ý của con đang học Đại học Nông Lâm Thái Nguyên: Mở vườn ươm. Chị Nguyệt và chồng quyết định bán những con trâu cuối cùng trong đàn của gia đình lấy tiền “khởi nghiệp”. Nghề làm vườn ươm vất vả không kém gì đi rừng, làm nương. Đặc biệt, chừng hơn 15 năm trước, kỹ thuật làm vườn ươm còn thô sơ, tất cả các thao tác làm ruộng vườn, nhồi bầu, sàng lọc đất, tưới cây… hoàn toàn thủ công mà "dãi nắng dầm mưa”, vất vả vô cùng.
Trời không phụ công người, vườn ươm cả vạn cây giống đầu tiên lên xanh tốt, khỏe mạnh trong niềm vui của gia đình chị Nguyệt. Niềm vui chưa kịp cười, chị Nguyệt cũng đã phải đau đầu tính toán khâu tiêu thụ, bán giống bởi khi đó không ít hộ làm vườn ươm cũng ế ẩm, phá sản. Không bán được, chị động viên chồng liên hệ những mối quan hệ đi chợ trước đây ở Bình Liêu, Ba Chẽ… để bán giống cây.
"Thời điểm đó, gia đình chưa biết sử dụng điện thoại, mạng xã hội để rao bán cây giống. 2 vợ chồng lóc cóc đạp xe, bắt xe khách liên hệ từng hộ và thuê xe ô tô giao cây cho họ. Bài toán đầu ra cho vài chục vạn cây giống dần được giải quyết, mối quan hệ dần được thiết lập và đưa lại những nguồn thu ban đầu, là cơ sở để gia đình củng cố, mở rộng vườn ươm. Mùa đầu tiên đưa lại nguồn thu khoảng 30-40 triệu đồng. Cầm khoản tiền lớn đầu tiên tương đương với cả đàn trâu 3-4 con mà 2 vợ chồng tôi vừa vui vừa lo vì... số tiền quá lớn" - chị Nguyệt nhớ lại.
Ươm mầm ước mơ làm giàu
Sau vụ đầu thành công với khoảng 30 vạn cây/năm, chị Nguyệt mở rộng quy mô, nâng lượng giống và mở thêm một vườn ươm khác. Cho tới nay, cơ sở ươm giống của chị Nguyệt đã mở rộng lên 3.000m2 với sản lượng hàng năm trên 100 vạn cây giống keo, quế các loại. Tổng nguồn thu khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
"Có thu nhập, đủ nguồn lực, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là thuê những lao động địa phương vừa để đỡ đần công việc vườn ươm khá vất vả, vừa tạo công ăn việc làm, giảm bớt khó khăn cho phụ nữ địa phương" - chị Nguyệt tâm sự.
Mặt trời dần lên cao, cái nắng thu dần nóng, gắt. Công việc trên vườn ươm dường như cũng nhanh, khẩn trương hơn. Cùng làm việc trên vườn ươm, chị Nguyệt cùng các lao động bắt đầu mướt mát mồ hôi. Dù đã gây dựng một công việc ổn định, một "doanh nghiệp cỡ nhỏ", có doanh thu nhưng chị Nguyệt cùng chồng vẫn xuống vườn hướng dẫn, xắn tay vào việc cùng mọi người.
Quả thật, nhìn trang phục giản dị, cách làm việc chăm chỉ của vợ chồng chị, tôi không thể phân biệt được người làm và chủ vườn ươm. Tôi đùa: “Trông anh chị giống người làm công hơn là chủ vườn ươm”. Chị cười bảo: “Các công việc của vườn ươm, tôi cũng phải tham gia, quán xuyến và chỉ dạy, hướng dẫn các chị em. Bản thân tôi cũng phải tự xắn tay vào làm thì mới yên tâm. Là người lao động quen rồi, chứ ngồi không lại... bủn rủn chân tay ngay”. Có lẽ, sự chân chất, đơn giản, gần gũi của người dân tộc thiểu số ở vùng đất Trường Tùng cũng là điều mà chúng tôi cảm thấy gần gũi, cảm tình hơn.
Từng kinh qua hoàn cảnh khó khăn, chị Nguyệt hiểu những nỗi vất vả của người phụ nữ nông thôn, đặc biệt ở thôn Trường Tùng này. Quả thật, vườn ươm đã và đang trở thành một "cứu cánh" với một số phụ nữ khó khăn ở thôn. Vừa chăm chỉ làm việc, chị Lý Thị Mai, 50 tuổi - độ tuổi mà chị không thể tìm được việc ở nhà máy hay khu công nghiệp, vừa kể: Chừng 5-6 năm trước đây, gia đình tôi rất khó khăn vì tôi không có công ăn việc làm, chồng tôi làm công việc tự do, nuôi 2 con ăn học và nuôi vợ. Gần đây nhờ công việc ổn định, thu nhập đều đặn từ công việc tại vườn ươm mà con cái học hành cẩn thận, đời sống ổn định hơn".
Tương tự chị Mai là hoàn cảnh của chị Tằng Si Múi, dân tộc Dao. Cả hai vợ chồng Múi còn trẻ nhưng đều không có công việc ổn định, cuộc sống gia đình khá bấp bênh. Chồng Múi làm dịch vụ sơn nhà theo mùa vụ, vợ ở nhà nuôi con nhỏ, trồng rau, nuôi lợn. Chị Múi mới chuyển về thôn và làm việc ở vườn ươm khoảng 2 năm nay. Chồng đi làm xa, thậm chí có khi chị Múi phải đem cả con nhỏ đi làm cùng mình ở vườn ươm. Thế nhưng chị Nguyệt vẫn nhận vào làm.
Chị Lý Thị Trinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Lạng, bảo: Người dân thôn Trường Tùng, đặc biệt phụ nữ còn vất vả mưu sinh, chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông - lâm. Ngoài đi làm ở các nhà máy, khu công nghiệp, một phần đáng kể phụ nữ trẻ hoặc già ngoài độ tuổi tuyển lao động, đều không có công ăn việc làm ổn định. Công việc ở vườn ươm ổn định, lại gần nhà là một "cứu cánh" cho họ.
Đối với hội viên phụ nữ thì chị Nguyệt đều quan tâm tạo điều kiện, nhận những hội viên không có tay nghề, làm chậm và có đem theo con nhỏ tới làm cùng. Điều chị Nguyệt cảm thấy băn khoăn là hiện mô hình mới chỉ giải quyết được 8-10 công ăn việc làm thường xuyên, lương ổn định từ 3,5-5 triệu đồng/tháng. Vào mùa ươm giống cao điểm, chị mới có thể nhận thêm nhiều lao động thời vụ khác.
"Trước còn trẻ khỏe, nay sức khỏe cũng yếu dần, vợ chồng tôi sẽ bàn giao công việc lại cho con trai; hỗ trợ con tổ chức hoạt động quy mô hơn, thành lập doanh nghiệp, tiếp tục ước mơ phát triển cơ sở ươm cây giống lớn hơn. Hy vọng từ đó có thể giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ khó khăn ở địa phương hơn" - chị Nguyệt tâm sự thêm.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()