Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:29 (GMT +7)
Chìa khoá để phát triển KT-XH nhanh, bền vững
Thứ 2, 29/11/2021 | 07:27:47 [GMT +7] A A
Thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng trong nhiều năm qua. Đặc biệt, năm 2021, nội dung này là một trong 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đưa vào chủ đề công tác năm. Qua đó, cho thấy quyết tâm của địa phương trong đẩy mạnh liên kết vùng, tạo đà phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
Nhận diện được vai trò của liên kết vùng trong phát triển KT-XH, từ rất sớm, Quảng Ninh đã triển khai việc hợp tác với nhiều địa phương trong cả nước. Điển hình như từ năm 2009, tỉnh đã ký hợp tác toàn diện với TP Hải Phòng. Các nội dung hợp tác được 2 địa phương nghiên cứu, xây dựng, triển khai vừa dựa trên tiềm năng, thế mạnh riêng có của từng địa phương, vừa xét đến những nét tương đồng trong mục tiêu phát triển dài hạn của 2 địa phương, đặt trong bối cảnh phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như của quốc gia. Những hợp tác của 2 địa phương được đánh giá ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả rõ nét hơn.
Đáng chú ý, từ năm 2020 đến nay, 2 địa phương đã thống nhất hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ nút giao QL18 đến cầu vượt Quán Toan; ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; thúc đẩy hợp tác có hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics; đẩy mạnh phát triển du lịch, kiểm soát dịch Covid-19…
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và Ban Thường vụ TP Hải Phòng đều thực hiện việc đánh giá chương trình hợp tác. Trong đó, đã thẳng thắn làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phối hợp. Từ đó, đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong công tác phối hợp giai đoạn mới. Mới đây, tháng 8/2021, trong hội nghị sơ kết đánh giá quá trình hợp tác, hai bên đã xây dựng nhiều nhiệm vụ phối hợp mang tính chiến lược, dài hơi. Cụ thể, tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lập một số quy hoạch như: Quy hoạch 2 địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng liên vùng tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng; xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét, có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển 2 địa phương trở thành trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cùng với đó, tập trung phát triển hạ tầng giao thông liên kết nội vùng, liên vùng, hợp tác quốc tế đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể giữa tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng, điển hình như cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng, cải tạo, nâng cấp QL10, đường ven sông tốc độ cao kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều. Đồng thời, hai bên tăng cường phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để 2 địa phương phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, logistics; thúc đẩy hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương; tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng KKT Đình Vũ - Cát Hải và KKT ven biển Quảng Yên…
Cùng với Hải Phòng, thời gian qua, Quảng Ninh đã tích cực phối hợp, liên kết với nhiều địa phương trong cả nước. Liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đã cùng các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá. Hay liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tỉnh đã hợp tác với các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nha Trang… Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh thực hiện nhiều chương trình phối hợp tiêu thụ nông sản tới các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh; nâng cao trách nhiệm công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở nơi giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang; liên kết, phối hợp kết nối với một số địa phương lân cận như Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng... để thu hút, tuyển dụng lao động tỉnh ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh…
Từ những nỗ lực trong thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, đã giúp Quảng Ninh ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín đối với Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh đạt 10,05%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 2,35 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và đứng thứ hai Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (đứng sau TP Hải Phòng). Tính chung trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế bình quân của Quảng Ninh tăng 10,7%/năm, gấp 1,6 lần cả nước và gấp 1,4 lần các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Về quy mô nền kinh tế, Quảng Ninh chiếm khoảng 3% tổng quy mô nền kinh tế của cả nước, chiếm khoảng 8,4% tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng và chiếm 9,5% quy mô kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (đứng sau TP Hà Nội và TP Hải Phòng).
Tại nhiều buổi làm việc với nhà đầu tư, lãnh đạo các địa phương trong và ngoài nước, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định quan điểm nhất quán của tỉnh, đó là coi thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Quảng Ninh trong quá trình phát triển. “Trong xu thế hợp tác, toàn cầu hoá như hiện nay, các địa phương đều không thể phát triển độc lập mà không có sự liên kết, hợp tác. Trên thực tế, chính việc thúc đẩy liên kết, hợp tác, trong đó có liên kết, hợp tác vùng, sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển KT-XH cho các địa phương, nhất là trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối, thu hút đầu tư, mở rộng các lĩnh vực phát triển thế mạnh. Thông qua liên kết vùng, mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng được giải quyết hài hòa hơn. Các địa phương trong vùng cùng bàn bạc và có những đề xuất chính sách/dự án chung đối với vùng và liên vùng… Việc thúc đẩy liên kết vùng cũng sẽ tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy chia sẻ.
Hồng Nhung
- Hoạt động nghiên cứu khoa học phải gắn với ứng dụng và phát triển công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
- Đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội
- Nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế
- Chính phủ thảo luận về dự thảo Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội
- Quốc hội khoá XV: Gợi mở nhiều giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế
Liên kết website
Ý kiến ()