Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:40 (GMT +7)
Bình Phước: 'Chìa khóa' gia tăng giá trị nông sản
Thứ 7, 06/05/2023 | 10:37:25 [GMT +7] A A
Thương hiệu, uy tín của một sản phẩm nói chung, sản phẩm nông nghiệp nói riêng luôn được người tiêu dùng quan tâm và chưa bao giờ là đề tài cũ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt
Để các sản phẩm của địa phương cạnh tranh được với những sản phẩm hàng hóa cùng loại trên thị trường, nông dân ở huyện thuần nông Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đang nỗ lực sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận cho gia đình mà còn tạo sự tin cậy với người tiêu dùng, góp phần định vị thương hiệu, sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương.
Tăng giá trị nhờ thương hiệu
Nuôi bò sinh sản theo hình thức tập trung, các thành viên Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò BBB Thanh Hòa cho biết, để vật nuôi khỏe, ít bệnh, người nuôi phải quan tâm vệ sinh môi trường, chuồng trại. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc, thức ăn cho đàn bò cũng được các thành viên chú trọng. Với hàng trăm con bò, mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường lượng lớn bò thịt chất lượng.
Thực tế trước đây, chăn nuôi còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán thì hiện nay nông dân đã đầu tư mô hình chăn nuôi theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần định vị thương hiệu sản phẩm địa phương. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chăn nuôi bò BBB Thanh Hòa chia sẻ: Mục tiêu cuối cùng của HTX là phải xây dựng được thương hiệu bò Bù Đốp, trước mắt trong phạm vi huyện, tỉnh và sau này mở rộng ngoài tỉnh. HTX đã vận động, khuyến khích thành viên tập trung chăn nuôi bò chất lượng phục vụ người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu, uy tín của HTX.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khách hàng, các thành viên HTX cà phê nguyên chất Bù Đốp cũng đang nỗ lực sản xuất những sản phẩm đáp ứng tiêu chí về an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo môi trường. Cà phê của HTX được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Các thành viên khẳng định, sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường không gì khác hơn là phải chất lượng, hướng đến người dùng. Anh Trần Xuân Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cà phê nguyên chất Bù Đốp bày tỏ: HTX đang hướng tới đưa thương hiệu cà phê Bù Đốp phát triển không chỉ trong tỉnh mà vươn ra ngoài tỉnh. Để làm được điều đó thì chỉ bằng cách chứng minh sản phẩm cà phê của mình là hữu cơ và tốt cho người tiêu dùng, có nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất an toàn, có các chứng nhận, tiêu chuẩn có thể xuất khẩu được.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững luôn là mục tiêu hướng đến của các địa phương. Việc tiết giảm chi phí hợp lý, không làm theo phong trào, liên kết với nhau nhằm nâng cao giá trị, năng suất cây trồng, vật nuôi có thể coi là giải pháp hữu hiệu góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Phát triển xứng tiềm năng
Những mô hình sản xuất nông nghiệp trách nhiệm trên địa bàn huyện Bù Đốp, mỗi người có một cách làm khác nhau, song họ gặp nhau ở điểm chung là dám nghĩ, dám làm, chịu khó tìm tòi, đầu tư và áp dụng đúng kỹ thuật vào sản xuất. Từ những mô hình sản xuất hiệu quả đã đóng góp tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển đúng hướng.
Tạo uy tín, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường là mục tiêu HTX gạo ruộng Sóc Nê, huyện Bù Đốp đang nỗ lực hướng đến. Với việc liên kết trồng, hỗ trợ bà con về khoa học - kỹ thuật, thu mua lúa ngay tại địa phương, HTX đang góp phần tiêu thụ sản phẩm của bà con cũng như tạo thị trường riêng có cho cây lúa của huyện. Anh Lê Văn Dung, thành viên HTX gạo ruộng Sóc Nê cho biết: Khi chúng tôi thành lập HTX thì mục tiêu cuối cùng là phát triển thương hiệu lúa gạo của huyện theo hướng bền vững. Các thành viên HTX đang sản xuất theo hướng an toàn, nâng chất lượng sản phẩm để người dân tin dùng.
Với sự hỗ trợ tích cực của địa phương, nỗ lực, trách nhiệm của người sản xuất, hiện huyện Bù Đốp đã có những sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tạo uy tín trên thị trường. Kết quả này không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu địa phương, là niềm tự hào của chính những người sản xuất mà còn đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo thêm tính đa dạng cho danh sách sản phẩm nông sản của huyện, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và thu nhập cho nông dân.
“Các mô hình chọn xây dựng thương hiệu cũng như định vị cho ngành nông nghiệp huyện là từ những nông hộ có tính tự giác trong phát triển nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tư duy sản xuất tiến bộ... Các sản phẩm đang xây dựng thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường, góp phần để ngành nông nghiệp huyện phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chí về kinh tế, môi trường và xã hội” - ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp khẳng định.
Thực tế việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm có thương hiệu, thể hiện sự khác biệt với những sản phẩm cùng loại. Thương hiệu mang đến giá trị vô hình và là một trong những thành tố chiếm giá trị cao nhất của sản phẩm, là cầu nối đưa sản phẩm vào các thị trường tiềm năng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()