Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:50 (GMT +7)
"Chìa khóa” nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng
Thứ 6, 17/02/2023 | 06:29:50 [GMT +7] A A
Theo kết quả rà soát của Sở NN&PTNT, tổng diện tích sản xuất cây trồng hàng năm ngày càng có xu hướng giảm do diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị giảm mạnh phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH (làm đường giao thông, khu công nghiệp...). Mặt khác, một số địa phương đang bị thiếu lao động, già hóa lao động trong sản xuất trồng trọt. Do đó, chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang các loài cây trồng có giá trị kinh tế cao, đưa các giống mới vào sản xuất... đang được các địa phương tích cực thực hiện.
Là cây trồng chủ đạo ở các địa phương, diện tích lúa hàng năm toàn tỉnh đạt trên 39.000ha, năng suất trung bình đạt 51,4 tạ/ha, sản lượng đạt trên 201.700 tấn. Các giống lúa được người dân trồng phổ biến là: RVT, Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7, Nếp ĐT52, Hương Thơm số 1, Khang dân 18... Tuy nhiên, sản lượng lúa hàng năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 57% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh. Phần còn lại, các địa phương vẫn phải thu mua từ các tỉnh ngoài.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường và nâng cao giá trị sản xuất, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp cùng với các địa phương đưa vào nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao. Nổi bật như các giống lúa Japonica, ST25, đưa cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm trên 61% diện tích trồng lúa các loại. Đánh giá hiệu quả các mô hình cho thấy, những giống lúa này đều có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất khá, chất lượng gạo tốt và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Cụ thể, như đối với mô hình sản xuất lúa J02 trong vụ xuân 2022 đã cho năng suất trung bình rất cao, tại huyện Hải Hà đạt 63,4 tạ/ha, huyện Tiên Yên đạt 47,3 tạ/ha, TP Móng Cái đạt 51 tạ/ha. Điều này đã giúp mang lại doanh thu cho người dân đạt từ 56-76 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn các giống khác từ 5-10 triệu đồng/ha. Còn tại vụ mùa 2022, mô hình sản xuất lúa ST25 cho năng suất trung bình đạt 45-50 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đại trà 3-5 triệu đồng/ha.
Trước hiệu quả rõ rệt của những giống lúa mới, chất lượng cao, năm 2023, Sở NN&PTNT đã cùng với các địa phương xây dựng kế hoạch nhân rộng những giống lúa nói trên. Trong đó đặt mục tiêu xây dựng được khoảng 80ha tại Bình Liêu và Ba Chẽ; 200ha tại Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Năm 2024, tại 6 huyện miền Đông của tỉnh, 2 giống lúa này sẽ được mở rộng diện tích lên 500ha và năm 2025 sẽ đạt 800ha. Đồng thời, xây dựng được 2 nhãn hiệu sản phẩm (Gạo ngon J02 miền Đông - Quảng Ninh; Gạo ngon ST25 miền Đông - Quảng Ninh) và tiến tới thành lập 2 chuỗi sản xuất gạo tại huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà.
Bên cạnh việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất, năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi gần 950ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngô và cây rau hoa màu các loại. Đồng thời tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật để mở rộng diện tích sản xuất đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có gần 1.100ha diện tích vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; diện tích áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đạt trên 6.600ha (tăng 261ha so với năm 2021).
Một số biện pháp thâm canh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được ứng dụng vào sản xuất trồng trọt góp phần giảm chi phí, giảm tác động của điều kiện thời tiết, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, như: Công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái tại TX Đông Triều giúp giảm được khoảng 20-30% lượng nước thuốc sử dụng trên cùng đơn vị diện tích so với phun thuốc bảo vệ thực vật bằng bình bơm tay; công nghệ trồng rau thủy canh; sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính giúp tạo ra các sản phẩm chất lượng, sản phẩm đa dạng, giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có trên 17ha nhà màng, nhà lưới, nhà kính sử dụng cho việc trồng các loại rau, hoa, quả.
Đặc biệt, để đáp ứng các điều kiện cho xuất khẩu nông sản, năm 2022, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương rà soát các mô hình sản xuất trồng trọt điển hình trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh để hướng dẫn các bước thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng quy định. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 32 vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói được cấp mã số.
Cụ thể, TP Hạ Long có 2 vùng trồng ổi, 1 vùng trồng lan hồ điệp; huyện Tiên Yên có 4 vùng trồng quế, 2 vùng trồng lúa; huyện Ba Chẽ có 1 vùng trồng trà hoa vàng, 1 vùng trồng ba kích; huyện Đầm Hà có 1 vùng trồng khoai lang, 1 vùng trồng lúa Bao thai, 2 vùng trồng củ cải, 1 vùng trồng dưa lê, 1 vùng trồng dưa lưới; huyện Hải Hà có 3 vùng trồng trà hoa vàng, 1 vùng trồng chè, 2 vùng trồng mía tím; 2 vùng trồng rau cải xanh, 1 vùng trồng lúa; TX Quảng Yên có 1 vùng trồng thông; huyện Bình Liêu có 3 vùng trồng dong riềng, 2 vùng trồng hồi; TP Móng Cái có 1 cơ sở đóng gói. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã cấp được 46 mã số vùng trồng và 6 mã số cơ sở đóng gói phục vụ nội tiêu, xuất khẩu. Các cơ sở được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng đều được chuẩn hóa dữ liệu và cập nhật trên hệ thống dữ liệu quốc gia.
Thống kê hết năm 2022, năng suất nhiều loại cây trồng trên địa bàn tỉnh đã tăng cao so với năm 2021 như: Năng suất cây lúa đạt 52 tạ/ha (bằng 101% so cùng kỳ); cây ngô đạt 50 tạ/ha (bằng 119% cùng kỳ); rau các loại đạt 166 tạ/ha (bằng 105% so cùng kỳ)... Tính chung năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 223.300 tấn (bằng 100,1% so cùng kỳ năm 2021, vượt 1,52% so với kế hoạch được giao và vượt 1,1% so với kịch bản tăng trưởng).
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()